Thứ Năm, 18 tháng 5, 2023

USCIRF - cách nhìn thiếu khách quan, không chính xác về tình hình tôn giáo ở Việt Nam.

  

Ủy ban Tự do tôn giáo quốc tế Mỹ (USCIRF) vừa công bố báo cáo về tự do tôn giáo quốc tế năm 2023, trong đó tiếp tục đưa ra các nhận định thiếu khách quan, sai lệch về tình hình tôn giáo Việt Nam, như cho rằng chính quyền Việt Nam đã “tăng cường kiểm soát và đàn áp”, “đàn áp tôn giáo một cách nghiêm trọng”, “sách nhiễu, bức hại”, “ép buộc”, “tước đoạt tài sản”... Theo đó, những cái gọi là tổ chức/hội/nhóm “tôn giáo độc lập” đã được USCIRF “xướng tên” để “làm ví dụ” như “Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất”, “Hội đồng Liên tôn Việt Nam”, “Cao Đài Chơn truyền”, “Phật giáo Hòa Hảo độc lập”, “Đạo Dương Văn Mình”, “Pháp Luân Công”, “Đạo Hà Mòn”, “Hội thánh Đức Chúa Trời”... Thực chất, đây là những tổ chức khoác áo tôn giáo, hoạt động trái pháp luật, không được Nhà nước công nhận và không được cấp đăng ký hoạt động tôn giáo; trong đó có nhiều hội/nhóm tà đạo, giả danh, đội lốt tín ngưỡng, tôn giáo để trục lợi, chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa (XHCN) ở Việt Nam. Với những thông tin thiếu khách quan đó, USCIRF lại tiếp tục khuyến nghị Bộ Ngoại giao Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách “Các nước cần quan tâm đặc biệt - CPC”.

 


Các thông tin USCIRF sử dụng trong báo cáo đều không có nguồn gốc, chủ yếu là những thông tin xuyên tạc, sai sự thật, được thu thập từ các tổ chức, cá nhân người Việt Nam ở nước ngoài có tư tưởng thù hận, bất mạn, nuôi dã tâm chống phá Nhà nước Việt Nam.

 

Có nhiều cách tiếp cận về tôn giáo, dưới góc độ là một tổ chức xã hội, ở Việt Nam có thể phân chia làm hai loại: 1) các tôn giáo, tổ chức tôn giáo được và chưa được Nhà nước công nhận, cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo; 2) tổ chức giả danh tín ngưỡng, tôn giáo để trục lợi, chống phá sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Trên cơ sở đó, Đảng, Nhà nước ta có quan điểm, chính sách, pháp luật cụ thể như sau:

 

Với các tôn giáo, tổ chức tôn giáo được công nhận, cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi cả việc Đạo và việc Đời. Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo năm 2016 ghi rõ: “Tổ chức đã được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo được công nhận là tổ chức tôn giáo khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây: 1. Hoạt động ổn định, liên tục từ đủ 5 năm trở lên kể từ ngày được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo; 2. Có hiến chương theo quy định tại Điều 23 của Luật này; 3. Người đại diện, người lãnh đạo tổ chức là công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; không trong thời gian bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo; không có án tích hoặc không phải là người đang bị buộc tội theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự; 4. Có cơ cấu tổ chức theo hiến chương; 5. Có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình; 6. Nhân danh tổ chức tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập”.

 

Với các tôn giáo, tổ chức tôn giáo chưa được Nhà nước công nhận, cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo, hệ thống chính trị các cấp hướng dẫn họ hoạt động theo quy định của pháp luật, địa phương, hỗ trợ về mọi mặt, nhất là mặt pháp lý, xét, công nhận, cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo. Đồng thời, chúng ta cũng có các quy định nhằm chấn chỉnh, xử lý khi họ có những sai phạm, vi phạm quy định của pháp luật. Đây cũng là điều mà các thế lực thù địch, phản động vu cáo Đảng, Nhà nước “kiểm soát”, “sách nhiễu”, cấm “bán công khai” về tôn giáo ở Việt Nam.

 

Với các tổ chức đội lốt, giả danh tín ngưỡng, tôn giáo để trục lợi, chống phá sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, Đảng ta đã xác định rõ trong Nghị quyết: “Nghiêm trị mọi âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cản trở sự phát triển của đất nước”, “Kiên quyết đấu tranh và xử lý nghiêm minh những đối tượng lợi dụng tôn giáo chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; chia rẽ, phá hoại đoàn kết tôn giáo và khối đại đoàn kết toàn dân tộc”. Hiến pháp năm 2013 ghi rõ: “Mọi hành vi chống lại độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, chống lại sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều bị nghiêm trị”. Điều 24 của Hiến pháp cũng ghi: “1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. 2. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. 3. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”. Bộ Luật Hình sự năm 2015 xác định: Người nào thực hiện hành vi: “Gây chia rẽ người theo tôn giáo với người không theo tôn giáo, giữa người theo các tôn giáo khác nhau, chia rẽ các tín đồ tôn giáo với chính quyền nhân dân, với các tổ chức chính trị - xã hội” nhằm chống chính quyền nhân dân, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm. Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 cũng xác định các hành vi bị nghiêm cấm: “1. Phân biệt đối xử, kỳ thị vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo. 2. Ép buộc, mua chuộc hoặc cản trở người khác theo hoặc không theo tín ngưỡng, tôn giáo. 3. Xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo. 4. Hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo: a) Xâm phạm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, môi trường; b) Xâm hại đạo đức xã hội; xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng, tài sản; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác; c) Cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân; d) Chia rẽ dân tộc; chia rẽ tôn giáo; chia rẽ người theo tín ngưỡng, tôn giáo với người không theo tín ngưỡng, tôn giáo, giữa những người theo các tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau. 5. Lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để trục lợi”.

 

Như vậy, những thành phần mà các thế lực phản động, thù địch, thiếu thiện chí gọi là “các tổ chức tôn giáo độc lập”, “bị Đảng, Nhà nước Việt Nam phân biệt, đối xử, đàn áp” thực chất là những cá nhân, hội/nhóm cóhoạt động chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ ta; họ câu kết với các tổ chức phản động ở nước ngoài để tán phát các tài liệu phản động; họ lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để tập hợp lực lượng chống đối, gây rối, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống xã hội nói chung, sinh hoạt - hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào có đạo nói riêng; họ góp phần phá hoại sự bình an, hạnh phúc của nhân dân và tác động xấu đến truyền thống văn hóa dân tộc, gây mất ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội...

Những quy định nêu trên trong pháp luật Việt Nam hoàn toàn phù hợp với văn bản, quy định các công ước quốc tế về nhân quyền, như Khoản 3 Điều 18 Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị ghi rõ: “Quyền tự do bày tỏ tôn giáo hoặc tín ngưỡng chỉ có thể bị giới hạn bởi những quy định của pháp luật và những giới hạn này là cần thiết cho việc bảo vệ an toàn, trật tự công cộng, sức khoẻ hoặc đạo đức của công chúng hoặc những quyền và tự do cơ bản của người khác”

 

Ở Việt Nam cũng như bất cứ quốc gia nào trên thế giới, công dân phải tuân thủ hiến pháp, pháp luật. Chức sắc, tín đồ các tôn giáo là công dân Việt Nam nếu có những hành động cản trở công cuộc đổi mới, không “ích nước, lợi dân” đều bị xử lý theo pháp luật. Theo đó, các cá nhân, tổ chức bị xử lý là vì vi phạm pháp luật, chứ không phải là vì theo hay không theo tôn giáo nào. Điều này vừa thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, vừa là cơ sở khẳng định thái độ rõ ràng, dứt khoát của chúng ta trong đấu tranh loại bỏ cái xấu, cái ác trong xã hội, tạo môi trường sinh hoạt tôn giáo bình thường, lành mạnh cho đồng bào theo tôn giáo.

 

Việc USCIRF đánh đồng các hội nhóm chống phá đất nước đội lốt tôn giáo thành “tổ chức tôn giáo độc lập”, đòi quyền “tự do tôn giáo” cho những thành phần này đã cho thấy rõ động cơ thiếu khách quan, thiếu thiện chí của họ với Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét