Thứ Ba, 15 tháng 12, 2015

Đừng đánh đồng hậu hiện đại với tuyên truyền dân chủ


Inrasara là một nhà thơ, nhà phê bình người Chăm hiếm hoi trong nền văn học Việt Nam, một người luôn tỏ ra cấp tiến và cách tân. Nhưng mới đây, khi Inrasara đăng một bài “Rốt cùng, phê bình văn học làm gì?”, tôi thấy thật sự thất vọng về Inrasara. Với tư cách một nhà phê bình, có nghĩa là một người đọc cao cấp, có chuẩn mực, có lý luận thì “nói phải có sách, mách phải có chứng”, nhưng Inrasara đã viết những điều theo một kiểu chém gió vô trách nhiệm, không có căn cứ. Đã thế, đến cuối bài viết, Inrasara lại còn lồng ghép một chủ nghĩa mới trong nghệ thuật với lý thuyết dân chủ. Tôi cho rằng, với tư cách của một người cầm bút, bẻ cong nghệ thuật theo hướng tuyên truyền chính trị, thật sự khiến người đọc thất vọng. (Xem tại đây: http://vandoanviet.blogspot.com/2015/12/rot-cung-phe-binh-van-hoc-lam-gi.html )
 
Ở đoạn đầu, Inrasara đưa ra nhiều lập luận về chức năng của phê bình. Trước tiên, ông phủ nhận vai trò của phê bình như tri âm của tác giả. Coi phê bình như tri âm của tác giả là một quan niệm truyền thống về phê bình. Một nhà phê bình, nếu không phải để phân tích các khía cạnh của tác phẩm, đưa ra các thẩm định về tác phẩm một cách đúng đắn, thì đó quả thực là một nhà phê bình tồi. Đó là chuyện hiển nhiên. Và cho dù nhà văn ( theo như mô tả của Inrasara về thái độ khinh miệt của Nguyễn Tuân về nhà phê bình ) có không coi trọng vai trò của nhà phê bình, không cần một người bạn tri âm, thì vấn đề “tri âm” cái tấc lòng bên trong của nhà văn, nhà thơ, vẫn là nhiệm vụ không thể chối bỏ của phê bình. Ấy vậy mà Inrasara lại gạt phắt nhiệm vụ này.
 
“Thế nhưng, giải thích tác phẩm chỉ là một trong vài chức năng của phê bình. Mà giải thích kia cũng không cần phải trúng ý tác giả nữa. Trước tác phẩm, mỗi độc giả đọc, thả hồn mơ màng, hiểu và giải thích theo cách của mình. Cách đọc của nhà phê bình chuyên nghiệp hơn, nhưng dẫu sao họ cũng đọc theo cách riêng của họ. Họ viết cách hiểu đó ra, kẻ sáng tác thấy sai/ lệch ý mình, và… ghét!”
 
Thật là một lối bao biện! Không cần hiểu đúng tác phẩm mà vẫn được gọi là nhà phê bình? Nếu không thể hiểu đúng tác phẩm thì bất cứ ai cũng có thể trở thành nhà phê bình. Mở rộng cách hiểu về một tác phẩm, không có nghĩa là được quyền hiểu sai về tác phẩm ấy. Đừng nhầm lẫn, cũng đừng đánh đồng về điều này. Quan niệm về phê bình của Inrasara là mở đường cho một lớp nhà phê bình không có khả năng thẩm định nhạy cảm, chỉ biết chém gió theo cảm tính và phơi bày cái tôi.
 
Ở phần sau, Inrasara đưa ra ba xu hướng phê bình. Tôi đồng ý với hai xu hướng đầu tiên mà Inrasara đưa ra là thủ kho và tìm tòi cái mới. Nhưng xu hướng thứ ba mà Inrasara đưa ra, tôi không thể gọi đó là phê bình: tinh thần khai phóng: “Cuối cùng là xu hướng phê bình mang tính khai phóng. Ở đây nhà phê bình đồng thời là một nhà tư tưởng”. Tôi không hiểu giữa phê bình và khai phóng có gì liên quan đến nhau. Có phải ông muốn nói: nhà phê bình sẽ khai sáng cho người đọc, chỉ con đường cho người đọc đến với tự do như một đấng cứu độ. Thật nực cười! Sao ông không nói thẳng ra, ông muốn phê bình làm nhiệm vụ định hướng chính trị, hướng mọi tác phẩm đến cái lý tưởng dân chủ mà các ông vẫn đắm đuối. Nếu muốn làm vậy, tôi khuyên ông nên làm phê bình chính trị, đừng làm phê bình nghệ thuật. Vì nếu ông muốn làm phê bình nghệ thuật thì xin ông hãy chỉ ra tính khai phóng trong bài thơ “Thu ẩm” của Nguyễn Khuyến hay bức tượng Venus ở Milo. Có lẽ, với tinh thần khai phóng, không có tính chất khai phóng trong đó, ông cũng biến nó thành khai phóng.
 
Nực cười hơn, Inrasara gắn chủ nghĩa hậu hiện đại với dân chủ và khai phóng. Trong khi ấy, chủ nghĩa hậu hiện đại không đề cập một chữ nào đến dân chủ và khai phóng. Dân chủ và khai phóng là sản phẩm của thế kỷ 18,19 và đầu 20, của văn học Hiện đại. Văn học Hiện đại với các tác phẩm như “Chàng si ngây”, “Những người khốn khổ”, “Ruồi trâu”, “Chiến tranh và hòa bình”, “Sông Đông êm đềm”… mới là thời của dân chủ và khai phóng. Hậu hiện đại tập trung vào tính cá nhân. Các cá nhân không tìm phán xét bên ngoài nữa, mà đi sâu vào bên trong của chính mình, vượt thoát khỏi mọi lề luật, ràng buộc và công thức. Hậu hiện đại là một thứ văn chương phi chính trị, phi hàn lâm, chứ không phải là đại diện cho khai phóng và dân chủ như Inrasara đã viết:
 
“Thời đại hậu hiện đại trong xu thể dân chủ hóa toàn cầu, phê bình văn học mang ở tự thân khả tính khai phóng. Nhà phê bình chỉ chú tâm đến tác giả – tác phẩm ca ngợi tinh thần tự do của con người, tập trung vào bộ phận tác giả dám đạp đổ mọi rào cản bất kì làm trở ngại tinh thần đó; nhà phê bình quyết loại bỏ mọi tác phẩm yếu đuối, bạc nhược nô lệ hóa con người. Cái thước đo lường là tác phẩm liên quan đến đời sống, chứ không phải văn chương [thuần túy]. Là tác phẩm họ tác động đến sự khai phóng tinh thần con người, chứ không phải họ “cách tân” đến đâu; là thế đứng, tư cách của nhà văn đối với đời sống, chứ không phải sự nghiệp văn chương họ lớn ra sao. Mà là họ viết và sống thế nào.”
Gán ghép hậu hiện đại với dân chủ, chắc là Inrasara bị ảnh hưởng bởi các nhà thơ hậu hiện đại ở hải ngoại trên trang Tiền Vệ hoặc từ nhóm Mở Miệng. Đây đều là những nhà thơ, nhà văn, ứng dụng hình thức hậu hiện đại để tuyên truyền chính trị, nhưng lại làm sai lệch hết tư tưởng của Hậu hiện đại. Qua cách trích dẫn của Inrasara, có lẽ ông không phải là người đọc các tài liệu lý luận về Hậu hiện đại, cũng chưa đọc hoặc xem các tác phẩm Hậu hiện đại có giá trị trên thế giới. Tôi khuyên ông nên đọc thêm Umberto Eco, Kurt Vonnegut để biết thêm về cách viết hậu hiện đại. Nếu có đủ trình độ hơn, ông hãy đọc các tác phẩm triết học hậu hiện đại của Heidegger hoặc Focault để biết thêm tư tưởng hậu hiện đại thật sự là về cái gì, có phải là dân chủ và khai phóng hay không.
 
Bằng bài viết này, Inrasara đã đánh mất tư cách một nhà phê bình văn học của mình. Ông không làm khoa học, cũng không làm nghệ thuật, mà ông đang làm chính trị, một thứ phê bình chính trị phi khoa học, phi nghệ thuật và không đàng hoàng. Tôi nghĩ bằng bài viết này, ông đã khai tử chính sự nghiệp phê bình và nghiên cứu của mình, đồng thời cũng khiến độc giả mất niềm tin với các tác phẩm thơ văn trước đó.
 
GĐTQT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét