Thứ Sáu, 14 tháng 10, 2022

Trò hề cổ súy tà đạo Giê Sùa và Bà cô Dợ của RFA

 


Ngày 1-10-2022, RFA đã liên tục đăng tải 3 bài viết theo kiểu phỏng vấn mục sư Vàng Chí Minh, người Mông đang sống tị nạn tại Hoa Kỳ. Trong bài phỏng vấn, RFA đã suy tôn Vàng Chí Minh như kiểu một anh hùng giải phóng dân tộc, người đã có gần 30 năm đấu tranh cho quyền sống và quyền tự do tôn giáo của đồng bào Mông theo đạo Tin lành ở Việt Nam. Được sự hà hơi tiếp sức đó, Vàng Chí Minh đã ra sức chỉ trích Nhà nước Việt Nam thẳng tay đàn áp tà đạo Giê Sùa và Bà Cô Dợ, trong khi 2 đạo này đã đem lại những thay đổi lớn về tinh thần cho cộng đồng người Mông (?!). Theo Vàng Chí Minh, 2 tà đạo nêu trên đã giúp người Mông xóa bỏ những hủ tục, giúp cộng đồng thực hành tiết kiệm và đời sống khá lên. Trong điều kiện khó khăn phải tập trung nghe truyền đạo qua radio, không có mục sư hướng dẫn nhưng vẫn bị chính quyền đàn áp thẳng tay.

 
 
Nhưng sự thật về 2 tà đạo này có như Vàng Chí Minh ở hải ngoại xuyên tạc không? Bản chất của tà đạo đã nằm trong nội hàm tên gọi của nó, đó chính là đạo xằng bậy dùng để mê hoặc lòng người. Do đó, tà đạo là các hoạt động tôn giáo không được pháp luật Việt Nam công nhận và cho phép hoạt động. Chúng tổ chức hoạt động đi ngược với lợi ích của dân tộc, tôn giáo chính thống, vi phạm đạo đức ứng xử, các quy định của luật pháp và gây mất ổn định nghiêm trọng với tình hình an ninh chính trị, sự phát triển của xã hội. Đạo Giê Sùa và Bà Cô Dợ mà các đối tượng đang tham gia hoạt động được xác định là tà đạo, bị Nhà nước nghiêm cấm. Với âm mưu không từ bỏ mục tiêu chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam, dù các đối tượng cầm đầu cộm cán đã bị xử lý nhưng một số đối tượng chống đối ở nước ngoài vẫn không ngừng lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo, thậm chí xuyên tạc kinh thánh để lôi kéo, dụ dỗ đồng bào Mông còn nhiều khó khăn về kinh tế, cả tin nghe theo 2 tà đạo Giê Sùa và Bà Cô Dợ. Thực chất 2 tà đạo này chính là hình thức biến tướng của đạo Tin lành với bản chất mê tín dị đoan, hoang đường, xuyên tạc kinh thánh. Chúng lợi dụng vấn đề tôn giáo để tuyên truyền, lôi kéo người tham gia vào hoạt động lập nhà nước Mông. Hình thức tuyên truyền chủ yếu các đối tượng này thường sử dụng là dùng internet và mạng xã hội.
 
Cùng với sự hà hơi tiếp sức của các tổ chức phản động lưu vong ở nước ngoài, các thế lực thù địch luôn tìm cách thâm nhập vào khu vực biên giới Việt Nam, nơi có đông đồng bào dân tộc Mông sinh sống để tuyên truyền, lôi kéo họ tham gia các tà đạo nhằm gây bất ổn về an ninh chính trị. Bản chất là lợi dụng tôn giáo để tập hợp lực lượng, lợi dụng sự hồn hậu, chân chất của đồng bào Mông, xúi giục họ chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam, âm mưu chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. 
 
Ngay sau khi phát hiện tà đạo Giê Sùa và Bà Cô Dợ xâm nhập, gây ảnh hưởng vùng đồng bào Mông trên địa bàn, công an các tỉnh vùng núi phía Bắc đã nhanh chóng tổ chức rà soát số lượng người tin theo, đánh giá niềm tin, mức độ ảnh hưởng của quần chúng nhân dân. Bên cạnh đó, đã chủ động gặp gỡ, trao đổi thông tin và đề nghị các hội, nhóm Tin lành chính thống đang hoạt động trên địa bàn tăng cường quản lý hoạt động tôn giáo, tham gia đấu tranh, lên án, tẩy chay tà đạo, vận động quần chúng, tín đồ không tin theo sự lôi kéo của kẻ xấu. Mặt khác, chính quyền các cấp, các ban, ngành, đoàn thể địa phương đã chủ động gặp gỡ, tranh thủ phát huy vai trò của người có uy tín, chức sắc, chức việc trong tôn giáo để tham gia tuyên truyền, vận động những người trót nghe, tin theo tự nguyện từ bỏ.
 
Tháng 3-2020, Tòa án nhân dân tỉnh Điện Biên đã đưa ra xét xử công khai 14 bị cáo vì có các hoạt động tuyên truyền chống phá Nhà nước xảy ra tại huyện Mường Nhé. Kết thúc phiên tòa, 2 bị cáo Sùng A Sính, Lầu A Lềnh với vai trò chủ mưu, cầm đầu, là người khởi xướng việc lập nhà nước Mông và trực tiếp soạn thảo mô hình tổ chức, điều lệ, cương lĩnh phải chịu mức án chung thân. Các mức án từ 24 tháng đến 20 năm tù lần lượt dành cho 12 bị cáo còn lại. Đây là bài học cảnh tỉnh cho những kẻ còn ngoan cố, cố tình tin và đi theo 2 tà đạo nêu trên. Song song với công tác điều tra, bóc gỡ, lực lượng công an và chính quyền các địa phương đã tăng cường củng cố hệ thống chính trị, đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông và trên không gian mạng những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, vạch trần bản chất mê tín dị đoan, phản động của các tà đạo để nâng cao cảnh giác cho quần chúng nhân dân.
 
Thực hiện Nghị định số 162/2017/NĐ-CP ngày 30-12-2017 của Chính phủ về “quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo”, trong thời gian qua, nhu cầu chính đáng của bà con giáo dân được thực hiện theo trình tự thủ tục. Các khâu, các bước đăng ký hoạt động tín ngưỡng đều làm chặt chẽ, dân chủ và tạo được sự đồng thuận cao trong cộng đồng giáo dân. Việc sống tốt đời đẹp đạo, kính chúa yêu nước, bảo vệ hòa bình, tự do, bình đẳng đều được các điểm, nhóm đạo sau khi đăng ký hoạt động hướng dẫn người dân. Ngoài ra, các điểm, nhóm đạo hướng dẫn cụ thể để người dân kiên quyết không nghe theo kẻ xấu truyền bá tư tưởng giáo lý sai trái, không đúng với kinh thánh và vi phạm pháp luật Nhà nước Việt Nam.
 
Sự hà hơi tiếp sức của các thế lực thù địch ngoài nước cùng sự chống phá của những kẻ có tư tưởng tôn giáo ly khai, cực đoan trong nước vô hình trung làm cho đồng bào Mông lầm tưởng hành vi đó là theo tiếng gọi của Chúa. Đồng bào Mông vốn hiền hậu nhưng một bộ phận đã nhẹ dạ cả tin, dễ dàng bị các đối tượng xấu mua chuộc, kích động, xúi giục tham gia tụ tập, gây rối, phá hoại, mất ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân. Có một thực tế là các đối tượng chống đối trong nước và các tổ chức phản động ở nước ngoài chưa hề từ bỏ ý định chống phá Đảng, Nhà nước. Người dân hãy cảnh giác, chủ động, tích cực đấu tranh, lật tẩy những mưu đồ đội lốt tôn giáo ra trước ánh sáng công lý và pháp luật. Đó cũng là quyết tâm tiến tới xóa bỏ tà đạo trong đời sống nhân dân.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét