(PLVN) - Việc Tổng
Công ty cổ phần XNK xây dựng Việt Nam (Vinaconex) có giá trị vốn hóa trên 10
nghìn tỷ đồng, bỗng nhiên trở thành “công ty con” Công ty TNHH An Quý Hưng là
một hiện tượng của thị trường chứng khoán năm 2018. Vừa qua, việc An Quý Hưng
“thất bại” trong huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu lại làm dấy lên
câu nguồn tiền để mua cổ phần Vinaconex ở đâu ra.
Chơi lớn bằng tiền “vay”?
Trước khi mua lô cổ phần
phổ thông 57,7% của SCIC tại Vinaconex, ít ai biết đến cái tên An Quý Hưng, một
doanh nghiệp xây lắp và kinh doanh bất động sản có quy mô vốn chỉ vài trăm tỉ.
Sau cuộc đấu giá, cái tên đại gia Nguyễn Xuân Đông và An Quý Hưng được nhắc đến
trong nhiều sự kiện liên quan đến ngành xây dựng và tài chính với câu hỏi “đại gia” mới nổi này là ai mà có
thể “thâu tóm” doanh nghiệp lớn như
Vinaconex?
Tại thời điểm An Quý Hưng
trúng đấu giá lô cổ phiếu của Vinaconex, đã có thông tin về việc doanh nghiệp
này bán 20 lô đất tại khu đô thị Galeximco Lê Trọng Tấn được gần 200 tỷ đồng để
thanh toán tiền mua cổ phần.
Tuy nhiên, số tiền này
quá nhỏ so với khoản tiền gần 7.500 tỉ đồng phải trả cho SCIC để sở hữu hơn 255
triệu cổ phần của Vinaconex. Khi nhìn vào bản cân đối kế toán năm 2018 của An
Quý Hưng thì thấy, hầu hết số tiền mua cổ phần của Vinaconex không phải là tiền
của doanh nghiệp này.
ADVERTISEMENT
Cụ thể, tổng tài sản của
doanh nghiệp này đầu năm 2018 có chưa đến 1.000 tỷ đồng nhưng tổng tài sản cuối
năm đã tăng lên gần 12 nghìn 700 tỷ đồng. Số nợ cũng tăng phi mã với tài sản
có, trong đó nợ đầu năm là hơn 534 tỷ đồng nhưng nợ cuối năm là hơn 12 nghìn tỷ
đồng. Số liệu này cho thấy, hầu hết những tài sản mà An Quý Hưng có đều là tài
sản vay, huy động vốn.
Theo bản cân đối kế toán,
tài sản cố định chỉ có giá trị hơn 39 tỷ, bất động sản đầu tư hơn 42 tỷ, tài
sản dang dở dài hạn gần 80 tỷ đồng. Tài sản lớn nhất là nguồn đầu tư tài chính
dài hạn, khoảng 7.600 tỷ đồng.
Tổng các khoản nợ phải
trả dài hạn của An Quý Hưng là hơn 8.000 tỷ đồng, trong đó vay và nợ thuê tài
chính dài hạn là 200 tỷ, còn 7.800 tỷ đồng là khoản nợ phải trả khác. Đây chính
là khoản nợ phát sinh khi An Quý Hưng mua cổ phần của Vinaconex.
Câu hỏi đặt ra là những
ai đã đồng ý cho An Quý Hưng vay một khoản tiền lớn như vậy trong khi tổng tài
sản của An Quý Hưng chỉ chưa đến 1.000 tỷ và tài sản có thể thế chấp để đảm bảo
cho khoản vay khủng kia còn ít hơn rất nhiều lần?
Theo một số chuyên
gia trong lĩnh vực đầu tư tài chính, có những thủ thuật để vượt qua được
tình huống này. Có thể, hồ sơ tài chính của An Quý Hưng chỉ để hợp thức hóa cho
nguồn tiền dùng để mua cổ phần của Vinaconex và An Quý Hưng không phải là chủ thực
sự của số cổ phần này nên không cần tài sản đảm bảo vẫn có thể “vay” được tiền để mua cổ
phần. Đây chính là nguồn vốn mà những nhà đầu tư bí ẩn bỏ vào đứng sau “đại gia” mới nổi.
Dòng vốn thứ hai có thể
huy động thêm từ nguồn vay ngân hàng và margin chính cổ phiếu VCG tại các công
ty chứng khoán để “chuyển ngược” lại cho nhà đầu tư góp vốn. Những nhà đầu tư đứng sau lưng có
thể ứng tiền cho An Quý Hưng vay và An Quý Hưng sẽ phải thế chấp toàn bộ số cổ
phần đã mua để đảm bảo trả “khoản nợ dài hạn” như thể hiện trong bản cân đối kế toán năm 2018 của doanh
nghiệp này. Sau khi là chủ của Vinanconex thì với tư cách là cổ đông lớn của
doanh nghiệp, tiền của Vinaconex có thể được rút ra sử dụng để trả nợ. Đó là
cách khôn ngoan của những người kinh doanh kiểu “tay không bắt giặc”.
Huy động vốn để trả nợ?
Những thông tin mới nhất
cho thấy, cổ đông An Quý Hưng của Vinaconex đang thực hiện chính sách “mỡ nó rán nó” bằng việc
sử dụng cổ phiếu tại Vinaconex để vay tiền.
Theo nguồn tin mới nhất,
Công ty TNHH An Quý Hưng cùng công ty con là Công ty TNHH An Quý Hưng Land đã “thất bại”trong đợt huy động 5.300
tỷ vừa qua.
Cụ thể, An Quý Hưng chào
bán 2.600 tỷ đồng trái phiếu, với tài sản đảm bảo tương ứng là trên 125 triệu
cổ phiếu VCG thuộc sở hữu của công ty TNHH An Quý Hưng. Trong khi đó, An Quý
Hưng Land chào bán 2.700 tỷ đồng, được đảm bảo bởi gần 130 triệu cổ phiếu VCG
Như vậy, An Quý Hưng và
An Quý Hưng Land của ông Nguyễn Xuân Đông chào bán tổng cộng hơn 5.000 tỷ đồng
với tài sản đảm bảo là 255 triệu cổ phiếu VCG, tương đương toàn bộ gần 58% cổ
phần Vinaconex mà An Quý Hưng sở hữu sau thương vụ đấu giá đình đám vào tháng
11 năm ngoái.
Tính theo giá thị trường,
lô cổ phiếu này có giá gần 7.000 tỷ đồng. Tài sản đảm bảo tốt, lãi suất cao tới
12%, nhưng An Quý Hưng không huy động được một đồng nào trên thị trường chính
thức. Thất bại của đợt phát hành này phải chăng là phản ứng đầy hoài nghi của
thị trường với những nhà đầu tư bí ẩn đứng sau An Quý Hưng.
Việc huy động vốn này để
đầu tư hay để thực hiện việc trả nợ các khoản nợ lên tới 7.800 tỷ đồng được thể
hiện trong bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp này, câu hỏi chắc không khó
trả lời.
Về lý, việc An Quý Hưng
cầm cố, thế chấp số cổ phần phần tại Vinaconex để đảm bảo cho việc phát hành
trái phiếu, vay tiền hay thực hiện các giao dịch khác tưởng như là quyền của họ
đã được pháp luật quy định. Tuy nhiên, trong công ty cổ phần, câu chuyện không
đơn giản như vậy.
Việc cổ đông lớn của
Vinaconex bị áp lực tài chính có thể sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông nhỏ
hơn bởi chính các quyết định quản trị bị chi phối bởi cổ đông lớn. Cũng vì bộ
máy quản trị mới do An Quý Hưng chi phối có những quyền hạn “khủng” mà việc thực hiện các
quyền hạn, bộ máy quản trị có thể tạo rủi ro tiềm tàng. Đó là thực tế và cũng
là lý do mà hai cổ đông pháp nhân của Vinaconex là Star Invest và Cường Vũ khởi
kiện yêu cầu hủy nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông bầu HĐQT Công ty, trong đó
An Quý Hưng lấy quyền đa số tự bầu nắm giữ hết các vị trí Chủ tịch, Tổng giám
đốc, Kế toán trưởng, Trưởng ban kiểm soát, gây rủi ro cho công ty.
Từ câu chuyện dòng tiền
bí ẩn đưa An Quý Hưng trở thành “công ty mẹ” của Vinaconex và việc doanh nghiệp này mang
toàn bộ số cổ phần đang sở hữu để huy động vốn, gây rủi ro tập trung cho
Vinaconex khi toàn bộ cổ phần của cổ đông lớn hình thành từ tiền vay và sau đó
mang thế chấp lấy tiền trả nợ. Nghịch lý các công ty lớn bị “thâu tóm” bởi các doanh nghiệp nhỏ
hơn nhiều lần đang diễn ra với An Quý Hưng và Vinaconex, dẫn đến những hệ luỵ
và rủi ro không chỉ của những doanh nghiệp này mà cho cả thị trường.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét