Tại Khóa họp thường kỳ lần thứ 53 của Hội đồng nhân
quyền LHQ, Việt Nam cùng Bangladesh và Philippines một lần nữa soạn thảo, đề xuất
và thành công thông qua Nghị quyết về biến đổi khí hậu (BĐKH) và quyền con người,
trong đó nêu bật ảnh hưởng tiêu cực của BĐKH đối với sinh kế và quyền con người,
nhấn mạnh yêu cầu hợp tác quốc tế để khắc phục những ảnh hưởng này. Trước đó, cũng
đã đồng chủ trì phiên thảo luận chuyên đề về BĐKH và quyền con
người với chủ đề “Tác động tiêu cực của BĐKH đối với việc hiện thực hóa đầy đủ
quyền lương thực”. Phiên thảo luận đã thu hút sự tham gia của đông đảo đại diện
các quốc gia, tổ chức quốc tế như Quỹ dân số LHQ và một số tổ chức phi chính phủ
có trụ sở tại Geneva.
Tại Khóa họp lần thứ 50 của Hội
đồng Nhân quyền Liên hợp quốc trước đó, Việt Nam cùng Bangladesh và Philippines
đồng tổ chức Phiên thảo luận chuyên đề về đảm bảo quyền của các nhóm dễ bị tổn
thương trong bối cảnh biến đổi khí hậu, đồng thời, giới thiệu dự thảo Nghị
quyết năm 2022 về biến đổi khí hậu và quyền con người, tập trung vào quyền
lương thực và biến đổi khí hậu. Đây là Nghị quyết được Việt Nam, Bangladesh và
Philippines giới thiệu hằng năm kể từ năm 2014, để Hội đồng Nhân quyền xem xét,
thông qua với trọng tâm mỗi năm tập trung vào từng chủ đề cụ thể (như quyền trẻ
em, quyền sức khỏe, quyền của người di cư, quyền phụ nữ… trong bối cảnh biến
đổi khí hậu).
Việt Nam không chỉ vận động chống, giảm thiểu ảnh hưởng biến đổi
khí hậu trên Diễn đàn nhân quyền lớn nhất hành tinh này mà còn trên nhiều diễn
đàn quốc tê quan trọng khác, chẳng hạn như Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về phát
triển bền vững, các quốc gia.
Đây được xem như là một trong số giải pháp đối ngoại tích cực, chủ động của
Việt Nam đối với vấn đề này. Vì sao vậy?
Với vị trí địa lý, điều
kiện tự nhiên đặc thù, Việt Nam là đất nước dễ bị tổn thương trước tác động của
biến đổi khí hậu, với những biểu hiện, như: lũ lụt bất thường, hạn hán, nước
biển dâng, hiện tượng thời tiết cực đoan, nhiệt độ tăng cao... Theo đánh giá
hằng năm về những nước chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi các hiện tượng thời tiết cực
đoan giai đoạn 1997 - 2016, Việt Nam đứng thứ 5 về Chỉ số rủi ro khí hậu toàn
cầu năm 2018 và thứ 8 về Chỉ số rủi ro khí hậu dài hạn. Điều này cản trở việc
thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam, nổi bật là:
Một là, ảnh hưởng đến mục
tiêu chấm dứt nghèo.
Những năm gần đây, do
biến đổi khí hậu, Việt Nam thường xuyên xuất hiện hiện tượng thời tiết cực
đoan, như: bão, hạn hán, giông, lốc, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất…, tàn phá
nghiêm trọng cây lương thực và tài sản của người dân; đồng thời, gây khó khăn
trong quá trình trồng lúa và các cây lương thực, gia tăng chi phí cho sản xuất
nông nghiệp, kéo theo hệ lụy về nghèo đói gia tăng. Tổng hợp thiệt hại do thiên
tai năm 2019 của cả nước cho thấy, diện tích cây lương thực bị ảnh hưởng là
40.017ha. Năm 2020, thiệt hại lên tới 209.378ha. Điều này cho thấy, thiệt hại
do thiên tai năm 2020 lớn hơn nhiều so với năm 2019. Sau những đợt thiên tai,
bão lũ, nhiều hộ gia đình đã rơi vào cảnh “trắng tay”, nợ nần, thiếu đói; đồng
thời, tỷ lệ tái nghèo diễn ra mạnh hơn. “Hiện nay cứ 3 người thoát nghèo lại có
1 người tái nghèo, chủ yếu do hậu quả thiên tai”.
Hai là, ảnh hưởng đến nền
giáo dục và cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người.
Biến đổi khí hậu ảnh
hưởng bất lợi đến triển vọng đạt được mục tiêu giáo dục theo nhiều cách khác
nhau, làm gia tăng thiên tai, dịch bệnh… ảnh hưởng đến sức khỏe, thời gian, cơ
hội đến trường của trẻ. Báo cáo của UNICEF thực hiện cùng tổ chức “Fridays for
Future” công bố năm 2021 cho thấy, có khoảng 1 tỷ trẻ em - gần một nửa trong số
2,2 tỷ trẻ em trên toàn thế giới - sống tại 33 quốc gia được phân loại là có
“nguy cơ cực kỳ cao” bởi tác động của biến đổi khí hậu(5).
Báo cáo của Quỹ Nhi đồng
Liên hợp quốc (UNICEF) ngày 20-8-2021 cho thấy, thanh, thiếu niên Việt Nam là
một trong những nhóm đối tượng có nguy cơ cao nhất trước các tác động của biến
đổi khí hậu. Trong phân tích này, các quốc gia được xếp hạng dựa trên nguy cơ
rủi ro của trẻ em trước các cú sốc về khí hậu và môi trường, chẳng hạn như lốc
xoáy và các đợt nắng nóng; cũng như mức độ dễ bị tổn thương của trẻ em trước
các cú sốc, dựa trên khả năng tiếp cận các dịch vụ thiết yếu của trẻ em. Điều
này đe dọa đến sức khỏe, giáo dục và sự an toàn của các em.
Tại Việt Nam, sau những
trận mưa, bão, lũ, lụt, phần lớn cơ sở vật chất, các trang thiết bị giảng dạy
nhiều trường, lớp bị hư hỏng, nên nhiều học sinh không thể đến trường hoặc phải
học chậm hơn.
Ba là, ảnh hưởng tới mục
tiêu bình đẳng giới, tăng quyền và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái.
Biến đổi khí hậu gây ra
những tác động khác nhau đối với phụ nữ và nam giới. Các nghiên cứu cho thấy,
khoảng 80% số người chịu các tác động tiêu cực của tình trạng biến đổi khí
hậu là phụ nữ(7). Các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, số phụ nữ
và trẻ em tử vong bởi các thảm họa thiên nhiên cao hơn 14 lần so với nam giới.
Biến đổi khí hậu tác động lên cuộc sống và sinh kế của người dân theo những
cách thức khác nhau và phụ nữ luôn được coi là một trong những đối tượng dễ bị
tổn thương nhất do biến đổi khí hậu. Trên thực tế, biến đổi khí hậu có thể làm
tồi tệ thêm những bất bình đẳng giới, tạo thêm gánh nặng cho phụ nữ. Báo cáo
thảo luận chính sách của Liên hợp quốc và Oxfam khẳng định, nhiều thiên tai xảy
ra do biến đổi khí hậu dẫn đến di cư tăng lên ở Việt Nam. Phụ nữ di cư thường
kiếm được việc làm ít hơn nam giới và nếu họ ở lại khi các thành viên khác
trong gia đình di cư thì họ sẽ phải gánh vác trách nhiệm của nam giới. Một tình
trạng phổ biến khác là nam giới trong gia đình thường làm việc xa nhà, nên khi
thiên tai tàn phá thì phụ nữ buộc phải gánh vác hầu hết các hậu quả của rủi ro
thiên tai.
Sinh kế của người nghèo,
trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em nông thôn, phụ thuộc vào khai thác tự nhiên,
sản xuất nông nghiệp, đánh bắt hải sản gần bờ. Cuộc sống của họ phụ thuộc khá
nhiều vào các hệ sinh thái có sẵn trong tự nhiên. Nhưng biến đổi khí hậu đang
làm mất đi nhiều khu rừng tự nhiên, hệ sinh thái và đa dạng sinh học. Điều này
ảnh hưởng đến phụ nữ, trẻ em, vốn cuộc sống chủ yếu dựa vào các nguồn tài
nguyên thiên nhiên có sẵn trong tự nhiên. Hơn nữa, phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ
nông thôn, thường phải gánh vác nhiều công việc nặng nhọc, đóng vai trò người
chủ gia đình và lao động chính ở những nơi khí hậu khắc nghiệt, tài nguyên khan
hiếm, các vùng bị nhiều thiên tai, trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng
gia tăng, khiến họ bị giảm cơ hội được giải phóng và bình đẳng.
Ngoài ra, biến đổi khí
hậu làm giảm chất lượng nước và trữ lượng nước sạch, nguy cơ gia tăng các bệnh
truyền nhiễm và đây chính là các yếu tố đe dọa sức khỏe sinh sản, điều kiện
nuôi dưỡng, chăm sóc bà mẹ và trẻ em.
Bốn là, ảnh hưởng tới mục
tiêu bảo đảm việc làm, thu nhập thường xuyên.
Biến đổi khí hậu với
những biểu hiện bất thường của thời tiết cực đoan đang làm hoang mạc hóa, đất
đai bị xói mòn, gia tăng diện tích đất ngập mặn, ngập úng do lũ lụt hoặc hạn
hán, làm thiếu đất canh tác, mất đất cư trú, gây ra những thay đổi trong đời sống
xã hội và ảnh hưởng tới mục tiêu bảo đảm việc làm bền vững cho tất cả mọi
người. Thống kê gần đây cho thấy, do ảnh hưởng biến đổi khí hậu, trong 10 năm
trở lại đây, đã có 1,7 triệu người di cư ra khỏi đồng bằng sông Cửu Long vì
thiếu đất canh tác, không có việc làm ổn định, tỷ lệ di cư này là gấp hai lần
trung bình cả nước.
Theo kịch bản biến đổi
khí hậu, nếu mực nước biển dâng 100cm sẽ có 16,8% diện tích đồng bằng sông
Hồng, 4,79% diện tích tỉnh Quảng Ninh, 1,47% diện tích đất các tỉnh ven biển
miền Trung từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, 17,8% diện tích Thành phố Hồ Chí Minh,
4,79% diện tích tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có nguy cơ bị ngập. Đồng bằng sông Cửu
Long là khu vực có nguy cơ ngập cao (38,9% diện tích)(10). Hiện nay,
diện tích đất gieo trồng của Việt Nam là khoảng 9,4 triệu héc-ta (trong đó có 4
triệu héc-ta đất trồng lúa). Nếu mực nước biển dâng thêm 1m thì Việt Nam sẽ bị
mất đi khoảng hơn 2 triệu héc-ta đất trồng lúa (khoảng 50%)(11).
Điều này đồng nghĩa với việc người dân mất đất sản xuất, mất đi sinh kế, kéo
theo đó là gia tăng nghèo, đói. Theo số liệu của Tổng cục Thủy lợi, vụ đông -
xuân năm 2015 - 2016 có 104.000ha lúa bị ảnh hưởng nặng đến năng suất do xâm
nhập mặn, chiếm 11% số diện tích gieo trồng của 8 tỉnh ven biển(12).
Tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, nhiễm mặn ảnh hưởng tới khả năng sinh
trưởng và giảm năng suất lúa, trung bình giảm tới 20% - 25%, thậm chí tới 50%.
Người dân trồng lúa, trồng cây ăn trái và nuôi trồng thủy sản đứng trước nguy
cơ bị mất sinh kế, mất việc làm, mất thu nhập và rất có thể sẽ bị buộc phải trở
thành người dân “tị nạn môi trường”, những người buộc phải di cư kiếm sống
do không thể canh tác trên chính mảnh đất của mình…
Phát triển bền vững vừa
là nhu cầu cấp bách, vừa là xu thế tất yếu của phát triển xã hội. Trong hơn 35
năm đổi mới, Việt Nam đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển
bền vững và đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, ảnh hưởng của biến
đổi khí hậu gây ảnh hưởng to lớn tới mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam.
Năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược
quốc gia về biến đổi khí hậu ; đồng thời, “xây dựng hệ thống và cơ chế
giám sát tài nguyên, môi trường và biến đổi khí hậu; dự báo, cảnh báo thiên
tai… Huy động, ưu tiên các nguồn lực, thực hiện đồng bộ các giải pháp công
trình và phi công trình để bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Nâng cao năng lực nghiên cứu, giám sát biến đổi khí hậu, dự báo khí tượng, thủy
văn và cảnh báo thiên tai; năng lực chủ động phòng, tránh, giảm nhẹ, năng lực
chống chịu và thích ứng với biến đổi khí hậu”. Tại Đại hội XI, Đảng ta đã khẳng định: “Bảo vệ môi trường
là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội và của mọi công dân”. Văn
kiện Đại hội XII của Đảng cũng nhấn mạnh: “Ngăn chặn và từng bước khắc phục sự
xuống cấp của môi trường tự nhiên do con người, nhất là do các dự án phát triển
kinh tế gây ra”. Đặc biệt, Báo cáo Chính trị Đại hội XIII của Đảng xác định rõ
quan điểm, chủ trương trong bảo đảm an ninh môi trường như: Xây dựng chiến
lược, hoàn thiện hệ thống thể chế quản lý, sử dụng có hiệu quả tài nguyên,
trọng tâm là đất đai. Xây dựng chiến lược an ninh nguồn nước quốc gia; hoàn
thiện chính sách, pháp luật, nhất là cơ chế tài chính về khai thác, sử dụng tài
nguyên nước. Xây dựng hệ thống và cơ chế giám sát tài nguyên, môi trường và
biến đổi khí hậu, dự báo, cảnh báo thiên tai, ô nhiễm và thảm họa môi trường,
dịch bệnh. Chủ động, tích cực hợp tác quốc tế và thực hiện các cam kết quốc tế
trong bảo đảm an ninh sinh thái, an ninh môi trường, an ninh nguồn nước, an
ninh lương thực, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Về mặt Nhà nước, Việt Nam đã sớm có Luật Bảo vệ Môi trường từ năm
1993 được sửa đổi, bổ sung vào các năm 2005, 2014 và mới nhất, ngày 17-11-2020,
Quốc hội đã thông qua Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020. Luật quy định: Môi
trường là điều kiện, nền tảng, yếu tố tiên quyết cho phát triển kinh tế-xã hội
bền vững. Bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu phải gắn kết hài hòa
với phát triển kinh tế và được đặt ở vị trí trung tâm của các quyết định phát
triển; không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế; thực hiện sàng lọc,
lựa chọn đầu tư phát triển dựa trên các tiêu chí về môi trường.
Với quyết tâm, nỗ lực và
sự thực hiện bài bản cũng như ảnh hưởng, vị thế của quốc gia trên trường quốc
tế, chúng ta có niềm tin rằng Việt Nam là nhân tố tích cực, chủ động trọng vận
động chính sách, nhiệm vụ, phát huy vai trò quốc tế đối với vấn đề này.