Thứ Hai, 24 tháng 7, 2023

Nói với Phạm Đình Trọng: có phải “Quốc hội nghe lời quan, nhưng làm ngơ đòi hỏi của dân” ?

 


Trên trang baotiengdan.com ngày 7/7/2023 đăng bài viết nêu trên của ông Phạm Đình Trọng nhắm vào xuyên tạc, bóp méo bản chất nội dung kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Trước hết, Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã được hiến định trong Hiến pháp 2013 và đó là cơ quan thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp; quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước; giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước.

Chỉ xét riêng việc quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, đã thấy rõ rằng, chức năng của Quốc hội là quyết định mục tiêu, chỉ tiêu, chính sách, nhiệm vụ cơ bản phát triển kinh tế – xã hội của đất nước (khoản 3, Điều 70); quyết định chính sách cơ bản về tài chính, tiền tệ quốc gia; quy định, sửa đổi hoặc bãi bỏ các thứ thuế; quyết định phân chia các khoản thu và nhiệm vụ chi giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương; quyết định mức giới hạn an toàn nợ quốc gia, nợ công, nợ chính phủ; quyết định dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước (khoản 4, Điều 70); quyết định chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo của nhà nước (khoản 5, Điều 70); quyết định vấn đề chiến tranh và hòa bình và quy định về tình trạng khẩn cấp, các biện pháp đặc biệt khác bảo đảm quốc phòng và an ninh quốc gia (khoản 13, Điều 70); quyết định chính sách cơ bản về đối ngoại; phê chuẩn, quyết định gia nhập hoặc chấm dứt hiệu lực của điều ước quốc tế liên quan đến chiến tranh, hòa bình, chủ quyền quốc gia, tư cách thành viên của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại các tổ chức quốc tế và khu vực quan trọng, điều ước quốc tế về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân và các điều ước quốc tế khác trái với luật, nghị quyết của Quốc hội (khoản 14, Điều 70); quyết định trưng cầu ý dân (khoản 15, Điều 70)…

Vì thế, chỉ cần Phạm Đình Trọng đọc lại những nội dung được quy định tại Điều 70 của Hiến pháp 2013 là sẽ thấy được Quốc hội sẽ, đã và đang hoạt động thế nào tại mỗi kỳ họp? sẽ quyết định những nội dung quan trọng gì liên quan đến sự phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, xã hội để đảm bảo sự ổn định, bền vững của quốc gia – dân tộc, đến cuộc sống an lành và trật tự trị an của người dân… chứ không phải là cào bàn phím lấy được để quy chụp rằng “được Quốc hội mau mắn chấp nhận luật Cảnh Sát Cơ Động, bộ Công An liền trình tiếp ngay dự luật Lực Lượng Tham Gia Bảo Vệ An Ninh” hay cho rằng “lấy cớ bảo vệ an ninh, trật tự, Bộ Công An liên tục đòi tăng tướng, tăng quân, tăng trang bị, tăng chi ngân sách nhà nước cho công an và đều được Quốc hội mau mắn đáp ứng”, trong khi đó thì “nhiều vụ việc gây bất ổn xã hội, làm bất an lòng dân lại từ công an”…

Hai là, Quốc hội và mỗi kỳ họp của Quốc hội đều có kế hoạch, chương trình cụ thể, không phải là hoạt động tự phát hay chỉ làm những gì “quan yêu cầu” mà không đoái hoài gì đến những điều người dân “mong mỏi” như Phạm Đình Trọng bịa đặt, bôi đen, vu khống. Thực tế, những con số ấn tượng về khối lượng công việc và những nội dung quan trọng đã được quyết định tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV được thông tin đầy đủ trên các phương tiện báo chí, truyền thông và trong thông cáo báo chí về kỳ họp này đã cho thấy sự ngớ ngẩn đến nực cười của người viết.

Cụ thể, với tinh thần đổi mới, đoàn kết, dân chủ, trí tuệ, khẩn trương và trách nhiệm cao, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra,  với kết quả đã thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật Đấu thầu, Luật Giá, Luật Giao dịch điện tử, Luật Hợp tác xã, Luật Phòng thủ dân sự, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; đã thông qua Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn, Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023…

Ngoài ra, Quốc hội cũng cho ý kiến về các dự án luật gồm: Dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), Dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Dự án Luật Viễn thông (sửa đổi), Dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, Dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi), Dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự tại cơ sở. Đồng thời, giám sát tối cao chuyên đề “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; xem xét, quyết định các vấn đề về nhân sự, kinh tế – xã hội, ngân sách nhà nước; xem xét các báo cáo về kiến nghị của cử tri và giải quyết các kiến nghị của cử tri cùng một số nội dung quan trọng khác…

Nêu lại một số nội dung cơ bản đã hoàn thành tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV mà Phạm Đình Trọng viễn dẫn, để thấy được rằng chỉ cần là một người bình thường (không bị thiểu năng trí tuệ) thì tất yếu sẽ không hàm hồ nhận định “quan đòi quyền gì đều được Quốc hội làm ngay luật về quyền đó. Dân đỏ mắt chờ luật bảo đảm những quyền tối thiểu của dân, suốt mấy chục năm Quốc hội vẫn làm ngơ” để xuyên tạc sự thật và bôi nhọ Quốc hội như người viết bài này đã làm.

Có thể khẳng định rằng: Xuất phát từ yêu cầu, điều kiện cụ thể của thực tiễn, Quốc hội đã thông qua Luật Cảnh sát cơ động (kỳ họp thứ 3); đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân (tăng thêm 6 vị trí cấp tướng..); xem xét dự luật về Lực lượng an ninh trật tự ở cơ sở tại kỳ họp thứ 5 và sẽ thông qua tại kỳ họp thứ 6… là những quyết định quan trọng, cần thiết và đúng thẩm quyền của Quốc hội. Còn việc thực thi Luật giáo dục 2019 thống nhất trên cả nước và đi liền cùng đó vẫn còn những hạn chế cần phải tiếp tục khắc phục trong việc dành, ưu tiên nguồn kinh phí cho giáo dục hay xây dựng nhiều hơn nữa hệ thống bệnh viện, trạm y tế để chăm sóc sức khỏe cho người dân không phải là công việc một sớm, một chiều và cũng không phải chỉ riêng một kỳ họp của Quốc hội là quyết định được. Cho nên, đừng có nhân danh dân chủ, đấu tranh cho dân chủ để quy chụp theo chủ kiến cá nhân bằng việc xuyên tạc, cắt cúp thông tin.

Đánh giá một vấn đề, nhất là những vấn đề liên quan đến quốc kế dân sinh, đòi hỏi người nhận định phải khách quan, phải nhìn từ nhiều chiều cạnh, chứ không phải để cảm xúc cá nhân chi phối rồi thông tin sai sự thật kiểu “chiếc bánh ngân sách dành phần lớn cho công cụ bạo lực thì chỉ còn phần nhỏ bé, hẩm hiu chia cho chính sách xã hội, cho giáo dục, văn hoá và y tế” để kích động, gây tâm lý hoang mang trong cộng đồng như Phạm Đình Trọng. Vì thế, đừng có hoạt ngôn, xảo biện để gây rối bằng những suy diễn vừa ngớ ngẩn vừa man trá của mình, vì thật ra điều cuối cùng mà Phạm Đình Trọng bậm bạch cũng vẫn là, dù “Hiến pháp nào cũng xác nhận quyền tự do ngôn luận, quyền tự do báo chí, quyền tiếp cận thông tin, quyền hội họp, lập hội, quyền biểu tình của người dân”, song những bộ luật về tự do ngôn luận, luật lập hội, luật biểu tình… vẫn không được Quốc hội thông qua. Và cũng vì thế, muốn nói với Phạm Đình Trọng là Quốc hội không bao giờ “lạnh lùng làm ngơ” hay “không ngó ngàng” trước những đòi hỏi của thực tiễn, những yêu cầu chính đáng của người dân và sự tồn vong của Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa. Cũng như, Quốc hội sẽ tiếp tục thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình trong xây dựng, bổ sung, hoàn chỉnh hệ thống pháp luật để mỗi người dân Việt Nam được đảm bảo, được thụ hưởng ngày càng đầy đủ hơn quyền con người và quyền công dân trên các lĩnh vực của đời sống xã hội./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét