Ngày 14/7, tại trụ sở Liên Hợp Quốc tại Geneva, Thụy
Sỹ, Hội đồng Nhân quyền LHQ đã kết thúc Khóa họp thường kỳ lần thứ 53, với 30
nghị quyết được thông qua, trong đó có Nghị quyết về biến đổi khí hậu (BĐKH) và
quyền con người do Việt Nam cùng Bangladesh và Philippines soạn thảo và đề xuất,
nêu bật ảnh hưởng tiêu cực của BĐKH đối với sinh kế và quyền con người, nhấn mạnh
yêu cầu hợp tác quốc tế để khắc phục những ảnh hưởng này.
Đoàn Việt Nam do Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ
dẫn đầu, cùng với Bangladesh và Philippines đồng tổ chức phiên thảo luận chuyên
đề về BĐKH và quyền con người với chủ đề “Tác động tiêu cực của BĐKH đối với
việc hiện thực hóa đầy đủ quyền lương thực”. Phiên thảo luận đã thu hút sự tham
gia của đông đảo đại diện các quốc gia, tổ chức quốc tế như Quỹ dân số LHQ và
một số tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Geneva.
Tại phiên thảo luận này, các
diễn giả và đại biểu đều nhấn mạnh tính cấp bách và sự cần thiết hành động để
giải quyết các tác động bất lợi của BĐKH và bảo vệ quyền con người của các thế
hệ hiện tại và tương lai; khẳng định tần suất và cường độ gia tăng của các hiện
tượng thời tiết cực đoan như lũ lụt, hạn hán tác động trực tiếp đến an ninh
lương thực; kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ khẩn cấp để giải quyết những thách
thức do BĐKH gây ra.
Ngày 12/7, HĐNQ đã thông qua
bằng đồng thuận Nghị quyết năm 2023 về BĐKH và quyền con người, với chủ đề “Tác
động tiêu cực của BĐKH đối với sinh kế và ảnh hưởng của những tác động này đối
với quyền con người”, với đông đảo các nước đồng bảo trợ (80 nước đồng bảo trợ,
tính đến cuối ngày 14/7/2023, giờ Geneva). Đây là thành công của nỗ lực từ đề
xuất, soạn thảo nội dung, tham vấn và vận động của Phái đoàn Việt Nam cùng các
Phái đoàn Bangladesh và Philippines tại Geneva. Nghị quyết của HĐNQ về BĐKH và
quyền con người năm nay ghi nhận mối liên hệ giữa BĐKH và xói mòn sinh kế; nhấn
mạnh sự cần thiết phải giải quyết các lỗ hổng trong bảo vệ quyền con người, đặc
biệt là quyền của phụ nữ và trẻ em gái trong bối cảnh BĐKH; khẳng định vai trò
của phụ nữ trong quá trình ra quyết định và ban hành chính sách về BĐKH; kêu
gọi thực hiện các thỏa thuận tài trợ, theo quyết định tại COP27, để hỗ trợ các
nước đang phát triển ngăn chặn, giảm thiểu và giải quyết tổn thất và thiệt hại
do BĐKH gây ra.... Nghị quyết về BĐKH và quyền con người được Việt Nam cùng
Bangladesh và Philippines - Nhóm nòng cốt 3 nước, giới thiệu hàng năm từ năm
2014.
Đây là thành công trọng vận động quốc tế
đoàn kết giải quyết vấn đề này của Việt Nam, đồng thời nó cũng là một phần nhiệm
vụ trong tổng thể chính sách của Đảng, Nhà nước trong nhiều năm qua và sự nỗ lực
của cả hệ thống chính trị nhằm đảm bảo quyền con người trong BĐKH ở Việt Nam
Bảo
đảm quyền con người trong biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh môi trường được coi
là một trong những nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và
toàn xã hội. Tại Đại hội XI, Đảng ta đã khẳng định: “Bảo vệ môi trường là trách
nhiệm của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội và của mọi công dân”. Văn kiện Đại
hội XII của Đảng cũng nhấn mạnh: “Ngăn chặn và từng bước khắc phục sự xuống cấp
của môi trường tự nhiên do con người, nhất là do các dự án phát triển kinh tế
gây ra”. Đặc biệt, Báo cáo Chính trị Đại hội XIII của Đảng xác định rõ quan
điểm, chủ trương trong bảo đảm an ninh môi trường như: Xây dựng chiến lược,
hoàn thiện hệ thống thể chế quản lý, sử dụng có hiệu quả tài nguyên, trọng tâm
là đất đai. Xây dựng chiến lược an ninh nguồn nước quốc gia; hoàn thiện chính
sách, pháp luật, nhất là cơ chế tài chính về khai thác, sử dụng tài nguyên
nước. Xây dựng hệ thống và cơ chế giám sát tài nguyên, môi trường và biến đổi
khí hậu, dự báo, cảnh báo thiên tai, ô nhiễm và thảm họa môi trường, dịch bệnh.
Chủ động, tích cực hợp tác quốc tế và thực hiện các cam kết quốc tế trong bảo
đảm an ninh sinh thái, an ninh môi trường, an ninh nguồn nước, an ninh lương
thực, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Về mặt Nhà nước,
Việt Nam đã sớm có Luật Bảo vệ Môi trường từ năm 1993 được sửa đổi, bổ sung vào
các năm 2005, 2014 và mới nhất, ngày 17-11-2020, Quốc hội đã thông qua Luật Bảo
vệ Môi trường năm 2020. Luật quy định: Môi trường là điều kiện, nền tảng, yếu
tố tiên quyết cho phát triển kinh tế-xã hội bền vững. Bảo vệ môi trường, ứng
phó với biến đổi khí hậu phải gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế và được
đặt ở vị trí trung tâm của các quyết định phát triển; không đánh đổi môi trường
lấy tăng trưởng kinh tế; thực hiện sàng lọc, lựa chọn đầu tư phát triển dựa
trên các tiêu chí về môi trường.
Các nội dung về
bảo đảm quyền con người trong chính sách, pháp luật về biến đổi khí hậu ở Việt
Nam được xây dựng trên cơ sở nội luật hóa các điều ước quốc tế liên quan đến
biến đổi khí hậu mà Việt Nam là thành viên; gắn trách nhiệm thực hiện các yêu
cầu về ứng phó với biến đổi khí hậu trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch
vụ của các tổ chức, cá nhân với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc
thực hiện chức năng quản lý nhà nước. Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 của Việt
Nam quy định: “Bảo vệ môi trường gắn kết hài hòa với an sinh xã hội, quyền trẻ
em, bình đẳng giới, bảo đảm quyền mọi người được sống trong môi trường trong
lành”. Luật cũng quy định cộng đồng có quyền được cung cấp và yêu cầu cung cấp
thông tin về biến đổi khí hậu, trừ các thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước
và cơ quan quản lý về biến đổi khí hậu có trách nhiệm cung cấp thông tin, tổ
chức các hoạt động nâng cao nhận thức cộng đồng và tạo điều kiện thuận lợi cho
cộng đồng tham gia các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu.
Cùng với đó, việc
bảo đảm quyền con người trong chính sách, pháp luật về biến đổi khí hậu của
Việt Nam còn thể hiện trong các quy định về xây dựng quy hoạch bảo vệ môi
trường; gắn với xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã
hội; các dự án đầu tư; quản lý phát thải khí nhà kính, thu hồi năng lượng từ
chất thải, trong sản xuất và tiêu thụ thân thiện môi trường, trong phát triển
và ứng dụng khoa học, công nghệ; hoạt động khai thác bền vững các nguồn tài
nguyên thiên nhiên nhằm phục vụ mục tiêu phát triển bền vững.
Không phải đến
Khóa họp 53 của HĐNQ LHQ mới nêu ra vấn đề này. Tại Khóa họp lần thứ 50 của Hội
đồng Nhân quyền Liên hợp quốc trước đó, Việt Nam cùng Bangladesh và Philippines
đồng tổ chức Phiên thảo luận chuyên đề về đảm bảo quyền của các nhóm dễ bị tổn
thương trong bối cảnh biến đổi khí hậu, đồng thời, giới thiệu dự thảo Nghị
quyết năm 2022 về biến đổi khí hậu và quyền con người, tập trung vào quyền
lương thực và biến đổi khí hậu. Đây là Nghị quyết được Việt Nam, Bangladesh và
Philippines giới thiệu hằng năm kể từ năm 2014, để Hội đồng Nhân quyền xem xét,
thông qua với trọng tâm mỗi năm tập trung vào từng chủ đề cụ thể (như quyền trẻ
em, quyền sức khỏe, quyền của người di cư, quyền phụ nữ… trong bối cảnh biến
đổi khí hậu).
Sự tham gia tích
cực của Việt Nam trong việc xây dựng và thông qua Nghị quyết này cũng như trong
các hoạt động của Nhóm nòng cốt phản ánh nỗ lực của Việt Nam trong việc ứng phó
với biến đổi khí hậu, đồng thời góp phần thực hiện chính sách đối ngoại chủ
động, tích cực, có trách nhiệm với các vấn đề chung của cộng đồng quốc tế.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét