Thứ Bảy, 15 tháng 7, 2023

Có phải Việt Nam không quan tâm đến quyền lợi người xuất khẩu lao động?

 


Thời gian qua, các thế lực thù địch, phản động gia tăng công kích, xuyên tạc chủ trương xuất khẩu lao động của Đảng, Nhà nước, nào là Nhà nước vô trách nhiệm, lợi dụng người dân kiếm tiền, rằng nước kém phát triển mới “buôn dân”,…

Thực tế, xuất khẩu lao động là hoạt động mua – bán hàng hóa sức lao động nội địa cho người sử dụng lao động nước ngoài. Theo đó, xuất khẩu lao động có hai nội dung: (1). Đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; (2). Xuất khẩu lao động tại chỗ (xuất khẩu lao động nội biên): người lao động trong nước làm việc cho các doanh nghiệp FDI, các tổ chức quốc tế qua internet. Vậy là ngay cả các nước tư bản phát triển trong đó có Mỹ cũng đều có xuất khẩu lao động. Hiện nay có một số doanh nghiệp của Việt Nam đầu tư ra nước ngoài, vào cả thị trường Mỹ nên các nước tiếp nhận đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam đồng nghĩa họ chấp nhận xuất khẩu lao động tại chỗ cho doanh nghiệp Việt Nam. Như vậy, không phải chỉ các nước kém phát triển mới thực hiện xuất khẩu lao động.

Thứ hai, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm đến hoạt động xuất khẩu lao động để đảm bảo quyền lợi, nghĩa vụ của người thực hiện xuất khẩu lao động. Theo đấy, Nhà nước tích cực xây dựng văn bản pháp luật và triển khai thi hành. Ngày 13/11/2020, Quốc hội khóa 14 đã thông qua Luật số 69/2020/QH14 Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Chính phủ ban hành 02 Nghị định: (1). Quy định chi tiết một số điều và hướng dẫn thi hành Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, có hiệu lực từ 01/01/2022; (2). Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, có hiệu lực từ 17/01/2022). Thủ tướng Chính phủ ban hànhQuyết định ban hànhvề Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước, có hiệu lực từ 21/02/2022. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành hai thông tư: (1). Quy định về hệ thống cơ sở dữ liệu về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và (2). Quy định chi tiết một số điều của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Đến nay, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đã hoàn thiện và có hiệu lực thi hành để đồng bộ với việc thực hiện Luật.

Công tác thông tin tuyên truyền, hợp tác quốc tế được đẩy mạnh. Năm 2022, Việt Nam ký 02 Bản Ghi nhớ: (1). Về tuyển dụng, việc làm và hồi hương lao động ký với Chính phủ Malaysia ngày 21/3/2022 và (2). Về hỗ trợ công dân Việt Nam tham gia chương trình nông nghiệp ký với Chính phủ Ôxtraylia ngày 28/3/2022.Cũng trong năm 2022, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức 12 hội nghị phổ biến và tập huấn về quy định pháp luật trong lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cho các Sở Lao động – Thương binh và Xã hội và các doanh nghiệp dịch vụ.

Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật nâng cao nhận thức của người dân và của xã hội trong việc chấp hành các quy định về đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; thông tin, hướng dẫn về di cư an toàn, đồng thời lồng ghép các nội dung liên quan đến phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn tình trạng người Việt Nam xuất cảnh, di cư trái phép, cư trú và lao động bất hợp pháp, vi phạm pháp luật ở nước ngoài.

Thông tin tuyên truyền qua các báo, đài trung ương và địa phương, qua cổng thông tin điện tử của các cơ quan Bộ và Sở Lao động – Thương binh và Xã hội địa phương, hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm và các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài về các chính sách của Nhà nước, của địa phương, các thông tin về tuyển người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, nhằm góp phần ngăn ngừa tình trạng lừa đảo, thu tiền quá quy định, việc dụ dỗ lôi kéo, tổ chức đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài bất hợp pháp, v.v.

Nhà nước có quy định và giám sát tuyển dụng lao động chặt chẽ. Đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện trong Luật Doanh nghiệp. Vì vậy, Điều 10 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (Luật số 69/2020/QH14, ngày 13/11/2020) đã có quy định cụ thể. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quản lý, giám sát tất cả các hoạt động của doanh nghiệp từ hoạt động chuẩn bị nguồn, đăng ký hợp đồng, tuyển chọn lao động; đào tạo, giáo dục định hướng, quản lý người lao động làm việc ở nước ngoài cho đến khi người lao động hết hợp đồng trở về nước thanh lý hợp đồng, hỗ trợ giới thiệu việc làm cho người lao động sau khi về nước.

Cùng với đó là công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra được tiến hành thường xuyên nhằm phát hiện xử lý sai phạm kịp thời. Cơ quan chức năng phối hợp với Bộ Ngoại giao, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài giải quyết các vấn đề phát sinh đến quyền lợi người lao động, đưa người lao động khi gặp khó khăn ở nước ngoài; chỉ đạo các doanh nghiệp trong việc cử đại diện để phối hợp với đối tác quản lý và hỗ trợ giải quyết các vấn đề phát sinh đối với người lao động ở nước ngoài. Công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài nhằm phát hiện sai phạm xử lý kịp thời, không để tái diễn.

Như vậy, xuất khẩu lao động là hoạt động “ích nước lợi nhà” nên Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm đến hoạt động này bằng tổng thể nội dung, biện pháp. Từ ban hành hệ thống văn bản pháp luật và hướng dẫn thi hành đến hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát… nhằm thực hiện đúng quy định của pháp luật và phát hiện xử lý kịp thời sai phạm nếu có. Cho nên, ý kiến cho rằng, Đảng, Nhà nước ta chỉ quan tâm đến nguồn lợi do xuất khẩu lao động mà không quan tâm đến quyền lợi của người xuất khẩu lao động là xuyên tạc, vu khống với ý đồ đen tối./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét