Vấn đề lên án Việt Nam
không có tự do báo chí là một trong những chủ đề trọng tâm cùa các cơ quan
ngoại giao, báo cáo nhân quyền của chính phủ Mỹ, EU, của một số tổ chức nhân
danh “bảo vệ nhân quyền quốc tế” như Quan sát nhân quyền - HRW, Tổ chức Phóng viên Không
biên giới- RSF, Tổ chức quốc tế Ủy ban Bảo vệ Nhà báo -
CPJ … Trước việc Việt Nam đưa ra tòa xử lý một loạt các cựu
phóng viên báo chí như nhóm “Báo sạch”, Phạm Đoan Trang -cầm đầu NXB Tự do, số
cầm đầu Hội nhà báo độc lập… vì hoạt động lật đổ chế độ, tuyên truyền chống
Việt Nam hoặc lợi dụng các quyền tự do dân chủ, CPJ đưa ra báo cáo về tự do báo
chí năm 2021 xuyên tạc tình hình tự do báo chí trong nước và đòi trả tự do “vô
điều kiện” cho số bị bắt, xử lý nói trên.
Đây là thủ đoạn, chiêu trò chống phá Việt Nam
không hề mới, các thế lực thù địch từ lâu lợi dụng chiêu bài “tự do ngôn luận”,
“tự do báo chí” trở thành “vũ khí” chống phá Việt Nam. Những thủ đoạn, chiêu trò
chống phá về vấn đề tự do báo chí, tựu chung như sau:
Thứ nhất xuyên tạc khái
niệm tự do báo chí.
Họ tuyên truyền rằng theo lập luận của một số nhà tư tưởng
tư sản từng giải thích về tự do báo chí như tự do hàng hóa. Người ta có thể tự
do sản xuất các hàng hóa để đưa ra thị trường tiêu thụ thì cũng có thể tự do in
ấn, xuất bản các tờ báo để bán cho người đọc. Người dân đã biết chọn cho mình
thứ hàng hóa tốt thì cũng có thể chọn cho mình những ý kiến hay, những tư tưởng
tốt trong báo chí tự do (Giôn Min-tơn 1608 - 1674, Giôn Xtu-át Min 1806 -
1873). Cách giải thích trên cho thấy, nó mới chỉ nhấn mạnh các quyền
tự do làm báo, tự do ra báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí mà quên đi quyền
được bảo vệ một cách công bằng, đạo đức trên báo chí, truyền thông, đồng thời
lơ đi vai trò của pháp luật trong điều chỉnh hoạt động báo chí phục vụ cho mục
đích chung, hài hòa của xã hội và phúc lợi của nhân dân.
Thứ hai, viện dẫn các quy
định của luật pháp quốc tế và luật pháp Việt Nam về tự do báo chí, nhưng cố
tình lờ đi những quy định và điều khoản nghĩa vụ kèm theo rồi tán phát qua
internet, mạng xã hội làm cho nhiều người hiểu lầm rằng “tự do báo chí” là một
quyền tuyệt đối, không có bất cứ một hạn chế nào.
Khi bàn về tự do báo chí,
một số người thường hay trích dẫn một câu trong Tuyên ngôn Nhân quyền
và Dân quyền năm 1789 của nước Pháp rằng, “Tự do trao đổi suy nghĩ và
ý kiến là một trong những quyền quý giá nhất của con người. Vì thế, bất kỳ công
dân nào cũng có thể nói, viết và công bố tự do”; hoặc viện dẫn Tu chính án thứ
nhất của Hiến pháp Mỹ được thông qua năm 1791 rằng, Quốc hội không được làm
luật liên quan đến bất cứ tôn giáo nào, hoặc ngăn cản sự tự do tín ngưỡng, hoặc
ngăn cản sự tự do ngôn luận, tự do báo chí, hoặc quyền của người dân được hội
họp hòa bình, và kiến nghị chính quyền để giải quyết khiếu nại. Đồng thời,
người ta cũng coi đó là biểu tượng của nền tự do báo chí ở Mỹ và phương Tây nói
chung.
Thực tế pháp lý ở tất cả
các quốc gia trên thế giới, vấn đề có tính nguyên tắc là tự do luôn gắn liền
với trách nhiệm, quyền lợi luôn gắn liền với nghĩa vụ. Mối quan hệ phổ biến này
nhằm mục tiêu chính đáng và khách quan là bảo đảm cho tự do của mỗi người không
làm mất đi hay ảnh hưởng tiêu cực đến tự do của người khác và của cộng đồng.
Đây cũng chính là nguyên tắc căn bản mà Tuyên ngôn thế giới về quyền
con người của Liên hợp quốc đã khẳng định mạnh mẽ. Sau khi xác quyết
các quyền tự do và quyền con người nói chung, Điều 29 của Tuyên ngôn này
khẳng định: “Khi thực hiện các quyền và tự do của mình, mọi người chỉ chịu
những hạn chế do luật định, nhằm mục đích duy nhất là đảm bảo sự công nhận và
tôn trọng thích đáng đối với các quyền và tự do của người khác cũng như đáp ứng
những yêu cầu chính đáng về đạo đức, trật tự xã hội và phúc lợi chung trong một
xã hội dân chủ”. Vì thế, những quyền tự do của mỗi người không thể không bị hạn
chế bởi pháp luật nhằm bảo đảm cho tự do của những người khác, bảo đảm lợi ích
chung cho cả cộng đồng.
Tuyên ngôn Nhân quyền và
Dân quyền năm 1789 của nước Pháp cũng thể hiện về các quyền tự do
của con người và công dân Pháp theo nguyên tắc ấy. Điều khoản thứ tư của Tuyên
ngôn nêu rõ: “Tự do bao gồm khả năng làm bất cứ điều gì mà không gây
hại cho người khác. Như thế, việc thực hiện các quyền tự nhiên của mỗi cá nhân
chỉ bị giới hạn sao cho các cá nhân khác trong xã hội cũng được hưởng những
quyền tương tự. Những giới hạn này được quy định duy nhất bằng luật pháp”. Liên
quan đến tự do báo chí và tự do ngôn luận, Điều 11 trong Tuyên ngôn này
cũng xác định: “Tự do trao đổi suy nghĩ và ý kiến là một trong những quyền quý
giá nhất của con người. Vì thế, bất kỳ công dân nào cũng có thể nói, viết và
công bố tự do; tuy nhiên, họ sẽ chịu trách nhiệm nếu lạm dụng quyền tự do này
theo quy định của pháp luật”. Như vậy, tự do báo chí, tự do ngôn luận, bất luận
trong trường hợp nào cũng là tự do có hạn định, không thể vượt ra ngoài khuôn
khổ của pháp luật.
Trở lại trường hợp của
nước Mỹ, tuy không có luật riêng về báo chí nhưng Mỹ lại có nhiều điều luật từ
các luật khác của Quốc hội, nhiều quy định có tính pháp lý của tòa án, của các
cơ quan liên bang khác và của các bang, trong đó có những quy định, những yêu
cầu giới hạn đối với hoạt động báo chí, đối với quyền và trách nhiệm của công
dân liên quan đến báo chí. Ví dụ, Ðiều 2.385 Chương 115, phần 18 (Title 18), Bộ
luật của Mỹ (U.S.Code) quy định: Nghiêm cấm mọi hành vi in ấn, xuất bản, biên
tập, phát thanh, truyền bá, buôn bán, phân phối hoặc trưng bày công khai bất kỳ
tài liệu viết hoặc in nào có nội dung vận động, xúi giục hoặc giảng giải về
trách nhiệm, sự cần thiết tham vọng, tính đúng đắn của hành vi lật đổ hoặc tiêu
diệt bất kỳ chính quyền cấp nào tại Mỹ bằng vũ lực hay bạo lực. Năm 1953, Bộ
Luật này đã được bổ sung điều khoản cho phép xét xử việc đăng tải các tài liệu
mà chính phủ cho là bí mật. Chưa kể, các tổ chức báo chí ở Mỹ cũng có những quy
định riêng, yêu cầu người làm báo và các cơ quan báo chí phải tuân thủ những
nguyên tắc cụ thể trong hoạt động báo chí. Quy tắc báo chí Mỹ theo tinh thần
“lý thuyết trách nhiệm xã hội của báo chí” xác định 7 yêu cầu hoạt động nghề
nghiệp là: 1- Trách nhiệm; 2- Tự do báo chí; 3- Sự độc lập; 4- Lòng thành, sự
xác thực, đúng đắn; 5- Sự vô tư; 6- Sự bảo đảm tôn trọng thanh danh; 7- Giữ
thuần phong mỹ tục.
Thứ ba, tác động đến Quốc
hội Mỹ và các nước phương Tây, các tổ chức quốc tế thông qua các dự luật, nghị
quyết, báo cáo thường niên,... với nội dung xuyên tạc tình hình dân chủ, nhân
quyền, tự do báo chí ở Việt Nam, vu cáo Việt Nam “vi phạm tự do ngôn luận, tự
do báo chí”; vận động trao giải thưởng nhân quyền cho số bị bắt, xử lý nhằm
đánh bóng, tạo thương hiệu, ca ngợi cho số bị bắt, xử lý, biến họ thành “nhân
chứng”, “bằng chứng” vu cáo Việt Nam đàn áp tự do báo chí.
Cứ mỗi sự kiện chính trị,
quốc tế hay có vụ việc phát sinh nào đó, Việt tân, BPSOS và hàng tá các tổ chức
ngoại vi lại mở chiến dịch “quốc tế vận” nhắm vào các truyền thông Việt ngữ lên
tiếng, vận động các dân biểu thân thiết, các NGO quốc tế, giải thưởng nhân
quyền hay các cáo buộc về tự do báo chí của Việt Nam
Thứ tư, một số phần tử
còn tác động vào các chính khách cực đoan trong Quốc hội Mỹ, Anh, Canađa,… tổ
chức điều trần, hội thảo, xuyên tạc tình hình tự do ngôn luận, tự do báo chí ở
Việt Nam nhằm tác động Liên hợp quốc ra nghị quyết bất lợi đối với nước
ta. Trên lĩnh vực báo chí, một số đối tượng còn thành lập các câu lạc bộ, các
diễn đàn trên mạng dưới chiêu bài “tự do ngôn luận, tự do báo chí” để tập hợp
lực lượng, hình thành các tổ chức chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam.
Ở Việt Nam, nhất là từ
sau khi cả nước bước vào công cuộc đổi mới, những điều kiện pháp lý bảo đảm cho
tự do báo chí đã từng bước được xác lập và ngày càng hoàn thiện. Năm 1989, Quốc
hội thông qua Luật Báo chí. Mười năm sau, năm 1999, Quốc hội thông qua Luật Sửa
đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí năm 1989. Đây là bước hoàn thiện Luật
Báo chí cho phù hợp với những yêu cầu thực tiễn của công cuộc đổi mới. Năm
2016, Luật Báo chí sửa đổi, bổ sung đã được Quốc hội khóa XIII thông qua, có
hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2017. Hiến pháp năm 2013 có riêng một chương
(Chương II) quy định về Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân,
trong đó Điều 25 nêu rõ: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí,
tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình”; đồng thời cũng nêu: “Việc
thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Luật Báo chí năm 2016 cũng quy
định tại Chương II về quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của công
dân. Trong đó, Điều 13 quy định: “Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để công dân
thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí và để báo chí
phát huy đúng vai trò của mình”; đồng thời cũng quy định: “Báo chí, nhà báo hoạt
động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ. Không ai được lạm dụng
quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của
Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân”. Đặc biệt khoản 3,
Điều 13 quy định: “Báo chí không bị kiểm duyệt trước khi in, truyền dẫn và phát
sóng”.
Trong xu thế hội nhập
quốc tế ngày càng sâu rộng, đối với bất kỳ quốc gia nào cũng đều phải giải
quyết hài hòa mối quan hệ giữa đẩy mạnh hội nhập quốc tế với giữ gìn bản sắc
dân tộc nói chung và giữ gìn các giá trị truyền thống, các quan điểm truyền
thống đối với từng lĩnh vực, từng vấn đề nói riêng. Trong lĩnh vực báo chí, Nhà
nước ta vừa phải bảo đảm tự do báo chí, tự do ngôn luận trên cơ sở thông tin
trên báo chí phải chính xác, trung thực; vừa phải vì lợi ích quốc gia, dân tộc,
cộng đồng, vì mục tiêu phát triển; phải phù hợp với lịch sử văn hóa, phong tục,
tập quán, truyền thống dân tộc; phải phù hợp thông lệ quốc tế, các cam kết mà
Việt Nam ký kết, tham gia; phải trong khuôn khổ pháp luật.
Chiêu trò đòi tự do báo
chí không giới hạn thực chất là cái bẫy mà các thế lực thù địch giăng ra đòi
chúng ta cho phép báo chí tư nhân, đồng nghĩa chấp nhận “canh trạnh tự do” trên
“thị trường thông tin” là hết sức nguy hiểm. Bài học về sự sụp đổ Liên Xô, Đông
Âu trước đây, các cuộc cách mạng đường phố, can thiệp và thao túng thông tin ở
các nước Bắc Phi, Trung Đông mới đây cho ta thấy, không có cái gọi là tự do báo
chí đích thực nào cả, bản chất là sự thao túng, lũng đoạn của giới tài phiệt, của
mưu đồ chính trị của các quốc gia tự khoác cho mình tấm áo giả dối mang danh
“tự do báo chí”