Những ngày gần đây trên trang Facebook của Việt Tân đăng tải
nội dung: “Ông Nguyễn Ái Quốc (Hồ Chí Minh) đã phát biểu trong Đại hội 18
của Đảng xã hội Pháp tại Tours năm 1920: “Chúng tôi không có quyền tự do báo
chí và tự do ngôn luận, ngay cả quyền tự do hội họp cũng không có”… Dưới
chế độ cộng sản hiện nay, các quyền này vẫn còn là giấc mơ xa vời đối với dân tộc
Việt Nam”.
Trước hết phải khẳng định rằng, tự do ngôn luận, tự do báo
chí là những quyền cơ bản của con người đã được Việt Nam cam kết thực hiện theo
những nguyên tắc chung của Hiến chương Liên hợp quốc và Tuyên ngôn quốc tế về
nhân quyền. Tuy nhiên, khoản 3 Điều 19 Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền quy định:
Việc thực hiện những quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận luôn kèm theo những
nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt…; phải tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người
khác, bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng hoặc đạo đức của xã hội…;
ai cũng phải chịu những giới hạn do luật pháp đặt ra nhằm bảo đảm những quyền tự
do của người khác cũng được thừa nhận và tôn trọng.
Như vậy, tuy được quốc tế công nhận nhưng quyền tự do ngôn
luận và tự do báo chí không phải là quyền tự do vô hạn. Dù trong bất kỳ xã hội
nào nó cũng chỉ mang tính tương đối, phải tự do trong khuôn khổ của pháp luật
và phù hợp với điều kiện lịch sử cụ thể ở mỗi thời kỳ nhất định. Không có quốc
gia nào cho phép tự do báo chí, tự do ngôn luận đứng ngoài luật pháp và xâm hại
đến an ninh quốc gia, xâm hại đến lợi ích quốc gia – dân tộc. Mọi quyền tự do,
trong đó có tự do ngôn luận, tự do báo chí đều phải có giới hạn nhất định.
Ở một khía cạnh khác, hợp tác quốc tế về báo chí ngày càng
phát triển theo hướng hợp tác đa quốc gia và đa lĩnh vực. Tính đến năm 2022, Việt
Nam có hơn 800 cơ quan báo chí; khoảng hơn 41.000 nhân sự đang tham gia hoạt động
trong lĩnh vực báo chí; cả nước hiện có hơn 17.000 thẻ nhà báo đã được cấp.
Cùng với đó, gần 40 hãng truyền thông quốc tế đã có mặt tại Việt Nam, trong đó
có nhiều hãng lớn như CNN, Reuters, AP, AFP, Kyodo, Hãng thông tấn Asia (Hàn Quốc),
Nhật báo kinh tế Aju (Hàn Quốc) và Hãng thông tấn Rossiya Segodnya (Nga)… Các
cơ quan truyền thông quốc tế như CNN, TV5, NHK, DW, Australia Network, KBS,
Bloomberg và hầu hết kênh truyền thông lớn thế giới đều dễ dàng đến được với
công chúng Việt Nam thông qua nhiều nền tảng chính thức, chính quy, mà không có
bất kỳ rào cản công nghệ hay pháp lý nào. Các nhà báo quốc tế được Chính phủ Việt
Nam tạo điều kiện thuận lợi để tác nghiệp…
Ngược lại dòng lịch sử, ngay sau khi thành lập nước Việt Nam
Dân chủ Cộng hòa, bản Hiến pháp đầu tiên được Quốc hội thông qua ngày 9/11/1946
đã hiến định tại Điều thứ 10: “Công dân Việt Nam có quyền: Tự do ngôn luận;
tự do xuất bản; tự do tổ chức và hội họp; tự do tín ngưỡng; tự do cư trú, đi lại
trong nước và ra nước ngoài”. Những quyền cơ bản này đã được hiến định xuyên suốt
trong các bản hiến pháp của Việt Nam và tiếp tục được hiến định tại Điều 25 Hiến
pháp năm 2013 (bản Hiến pháp mới nhất hiện nay): “Công dân có quyền tự do
ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc
thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Để bảo đảm quyền tự do ngôn luận,
tự do báo chí ngày càng được hiện diện trong thực tiễn cuộc sống, năm 2016, Quốc
hội Việt Nam đã ban hành Luật Tiếp cận thông tin và Luật Báo chí. Trong đó, Điều
3 Luật Tiếp cận thông tin quy định: “Mọi công dân đều bình đẳng, không bị
phân biệt đối xử trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin; Nhà nước tạo điều
kiện thuận lợi để người khuyết tật, người sinh sống ở khu vực biên giới, hải đảo,
miền núi, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn thực hiện quyền tiếp
cận thông tin”. Thêm nữa, Điều 11 Luật Báo chí năm 2016 quy định cụ thể về quyền
tự do ngôn luận trên báo chí như sau: “Công dân được phát biểu ý kiến về
tình hình đất nước và thế giới; tham gia ý kiến xây dựng và thực hiện đường lối,
chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước…”. Đặc biệt, Điều 13 luật
này nêu rõ: “Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền
tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí và để báo chí phát huy đúng
vai trò của mình…; báo chí không bị kiểm duyệt trước khi in, truyền dẫn và phát
sóng”.
Qua đây có thể dễ dàng nhận thấy, về mặt pháp lý, quyền tự
do ngôn luận, tự do báo chí và quyền tiếp cận thông tin của công dân ở Việt Nam
đã được quy định toàn diện, đầy đủ, với những nội dung cụ thể, dễ hiểu, dễ áp dụng,
dễ thực hiện trong cuộc sống.
Hiện nay, Internet và mạng xã hội đã trở thành công cụ rất
quen thuộc, là “một phần tất yếu” trong cuộc sống của mọi tổ chức và cá nhân,
nhất là trước sự phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Việt Nam nằm trong top 20 nước có số người sử dụng Internet cao nhất thế giới với
68,7% dân số sử dụng, cao hơn mức trung bình của thế giới là 51,4%. Người dân
Việt Nam có thể dễ dàng đăng tải, chia sẻ thông tin, hình ảnh, clip, bày tỏ
quan điểm, ý kiến cá nhân của mình về mọi vấn đề của đời sống trên các nền tảng
mạng xã hội. Phát triển song hành với Internet và mạng xã hội là phát triển
Chính phủ điện tử, được Liên hợp quốc đánh giá liên tiếp từ năm 2014 đến nay,
Việt Nam đều tăng hạng. Hiện, Việt Nam xếp thứ 86/193 quốc gia trên thế giới về
chuyển đổi số. Những tiện ích của Internet nhanh chóng được ứng dụng trong thực
tiễn, nhằm bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của mọi
tổ chức, cá nhân. Mỗi người dân Việt Nam ngày càng nhận thức đúng đắn về quyền
tự do ngôn luận, tự do báo chí, từ đó nêu cao ý thức trách nhiệm khi tham gia mạng
xã hội, vừa bảo đảm quyền tự do của mình không vượt quá khuôn khổ của pháp luật.
Như vây: Người dân Việt Nam đã hiện thực hóa được “giấc mơ” của Chủ tịch Hồ Chí
Minh về quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí, không như “giấc mơ đen tối” của
Việt Tân.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét