Thời gian gần đây, trên một số diễn đàn, trang mạng thường xuyên đăng tải thông tin công kích, chống phá Việt Nam của “Ủy ban cứu người vượt biển” (BPSOS) và mạng lưới tay chân là cá nhân, hội nhóm phản động đội lốt tôn giáo.. liên tục đăng tải nhiều thông tin, quảng bá cho thành công của sự kiện có tên gọi “Hội nghị thượng đỉnh về tự do tôn giáo quốc tế 2022” (viết tắt là IRF Summit 2022)” đồng thời xuyên tạc, vu cáo chính quyền Việt Nam đàn áp tôn giáo, vi phạm tự do tín ngưỡng tôn giáo...
Vậy Hội nghị thượng đỉnh về tự do tôn giáo quốc tế là gì và âm mưu lợi dụng hội nghị này ra sao.
HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH VỀ TỰ DO TÔN GIÁO QUỐC TẾ
Đây là diễn đàn được Bộ ngoại giao Hoa Kỳ, Ủy ban nhân quyền Quốc tế, Ủy ban Tôn giáo Hoa kỳ phối hợp với một số tổ chức xã hội dân sự tổ chức định kỳ hàng năm. Đây là lần thứ 5 hội nghị này được tổ chức, trong đó 4 lần tổ chức tại Hoa Kỳ và 01 lần tổ chức tại Ba Lan.
Diễn đàn này được tổ chức chủ yếu tập trung thảo luận về vấn đề bảo vệ quyền tự do tôn giáo theo tư tưởng phương tây, phán xét, đánh giá vấn đề vi phạm quyền tự do tôn giáo của các nước qua những tham luận, báo cáo của các thành phần tham dự như đại diện cơ quan ngoại giao các nước tại Hoa Kỳ, các tổ chức xã hội dân sự, tổ chức tôn giáo, các cá nhân với vai trò đại diện cho nạn nhân khi thực hiện quyền tự do tôn giáo….
Để tham dự và có tên với vai trò đồng tổ chức hội nghị, mỗi thành phần đăng ký tham gia chỉ cần chi ra vài trăm đô la Mỹ (thấp nhất 149 đô la Mỹ, cao nhất là 700 đô la Mỹ) để đóng lệ phí. Vì số tiền không phải quá lớn nên sự kiện này thường có đến 60-70 đơn vị đồng tổ chức.
Dù hội nghị này được tổ chức định kỳ hàng năm nhưng không được nhiều quốc gia quan tâm do không mang tính đại diện cho bất kỳ tổ chức quốc tế nào. Bên cạnh đó, nhiều quốc gia quan ngại về tính chính thống và minh bạch của nó đã tuyên bố không không tham dự diễn đàn này, điển hình như Nga, Trung Quốc, Cu Ba. Đến nay Việt Nam chưa cử đoàn đại diện chính thức tham dự hội nghị này.
ÂM MƯU, HOẠT ĐỘNG LỢI DỤNG IRF SUMMIT ĐỂ CHỐNG PHÁ VIỆT NAM CỦA NGUYỄN ĐÌNH THẮNG VÀ BPSOS
Ủy ban cứu người vượt biển (BPSOS) do Phan Lạc Tiếp (SN 1933), nguyên là sĩ quan hải quân Việt Nam Cộng hòa và Nguyễn Hữu Xương, nguyên giáo sư Đại học San Diego, thành lập năm 1980, có trụ sở tại Sandiego, Carlifornia (Mỹ) với mục đích giúp đỡ người Việt “tị nạn” tại Mỹ. Tuy nhiên sau khi Phan Lạc Tiếp và Nguyễn Hữu Xương chuyển giao BPSOS cho Nguyễn Đình Thắng (SN 1958, tại TP Hồ Chí Minh, quốc tịch Mỹ) quản lý, đối tượng này đã hướng lái các hoạt động của BPSOS, chuyển sang việc lợi dụng các vấn đề “dân chủ”, “nhân quyền”, “dân tộc”, “tôn giáo” để chống phá Việt Nam (bạn đọc có thể tìm hiểu rõ hơn về BPSOS và Nguyễn Đình Thắng tại đường dẫn phần cuối của bài viết).
IRF Summit là một diễn đàn mở để các tổ chức có thể tham gia, miễn là có “đóng tiền”. Do đó, Nguyễn Đình Thắng sau khi đăng ký, nộp lệ phí tham gia với tư cách là “đối tác tài trợ” đã tự nhận mình là tổ chức người Việt duy nhất tham dự hội nghị này nhằm đánh bóng tên tuổi.
Để thực hiện âm mưu chống phá của mình, Nguyễn Đình Thắng đã sử dụng những đối tượng có tư tưởng thù địch, bất mãn chế độ đang tị nạn, lưu vong mà chúng gọi là “những nhân chứng sống”, là “nạn nhân” của tự do tôn giáo tại Việt Nam và định hướng để số đối tượng này trực tiếp lên tiếng tại các buổi hội luận bên lề diễn đàn hội nghị. Theo đó các đối tượng như Aga, Y phic H’Đơk, Hoàng Văn Pá… được phân công đại diện cho “nạn nhân” của các tôn giáo mà chúng cho là bị chính quyền sách nhiễu, đàn áp khi thực hiện quyền tự do tôn giáo.
Bên cạnh đó, Nguyễn Đình Thắng tìm cách tác động các tổ chức, cá nhân nước ngoài tại diễn đàn can thiệp, yêu cầu chính quyền Việt Nam trả tự do cho các đối tượng mà chúng gọi là tù nhân lương tâm tôn giáo gồm: Nguyễn Bắc Truyển, Nguyễn Văn Hóa, Y Pum Byă, đây là những đối tượng vi phạm pháp luật hình sự Việt Nam đã thừa nhận hành vi phạm tội và đang thi hành án tù với các tội danh hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, tuyên truyền chống Đảng, Nhà nước CHXHCNVN và phá hoại chính sách đại đoàn kết dân tộc.
Ngoài ra, Nguyễn Đình Thắng còn sử dụng các báo cáo, thư ngỏ với nội dung, luận điệu bịa đặt, xuyên tạc về chính sách tôn giáo, tín ngưỡng của Việt Nam, chia rẽ tôn giáo và khối đại đoàn kết dân tộc để “làm bằng chứng” và tăng tính thuyết phục đối với người nghe.
Việt Nam luôn có chính sách nhất quán về vấn đề tự do tôn giáo, đó là tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của công dân. Trên thực tế, Việt Nam không ngừng nỗ lực hoàn thiện hệ thống pháp luật về tôn giáo, chính sách tín ngưỡng, trong đó có việc thông qua Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.
Những nỗ lực của Việt Nam trong việc đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo thời gian vừa qua luôn được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Do đó, việc Nguyễn Đình Thắng và BPSOS tham gia IRF Summit bản chất chỉ để “đánh bóng” tên tuổi nhằm thu hút sự chú ý của các tổ chức quốc tế và kiếm tài trợ để phục vụ hoạt động chống phá, không hề mang lại “tự do tôn giáo” như chúng rêu rao.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét