Thứ Bảy, 25 tháng 5, 2024

Báo Cáo Nhân Quyền Việt Nam 2023 do Mỹ công bố: Báo cáo lạc điệu

 


Ngày 22/4/2024, Bộ Ngoại giao Mỹ công bố “Báo cáo nhân quyền Việt Nam 2023”; bản báo cáo dày 59 trang này tưởng như công phu nhưng vẫn chẳng có nội dung gì mới ngoài cái luận điệu quen thuộc là tình hình nhân quyền ở Việt Nam “vẫn tồi tệ như vậy”. Cũng dễ hiểu khi mà dân chủ, nhân quyền tiếp tục là một trong những chiêu bài mà Mỹ sử dụng để gây sức ép, tác động, hướng lái Việt Nam, nằm trong chiến lược “Diễn biến hòa bình” mà Mỹ và phương Tây đang áp dụng với chúng ta, điều mà Việt Nam đã sớm nhận ra và không còn lạ lùng gì.

Điều hơi khó hiểu là, trong khi Việt Nam và Mỹ vừa nâng cấp mối quan hệ lên mức cao nhất trong lịch sử ngoại giao 2 nước - đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, thì Bộ Ngoại giao Mỹ lại dường như đi ngược lại tinh thần chung ấy bằng cách tung ra một bản báo cáo lạc điệu. Nó trái ngược với các cơ quan ban ngành khác của Mỹ đang tích cực hưởng ứng và thúc đẩy thực chất mối quan hệ này, ví dụ như Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã tổ chức phiên điều trần thông qua hình thức trực tuyến liên quan đến xem xét hồ sơ công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam...

Bản báo cáo dày 59 trang này thậm chí mở đầu bằng một câu mà người đọc có lẽ không cần phải đọc hết báo cáo cũng hình dung ra được nội dung cơ bản của nó là gì: There was no significant changes in the human rights situation in Vietnam in the pass year (Tạm dịch: Không có sự thay đổi đáng kể nào về tình hình nhân quyền tại Việt Nam trong năm qua). Có nghĩa là từ đó về sau, tất cả những gì báo cáo này viết chỉ nhằm minh chứng cho cái nhận định ngắn gọn vừa rồi thôi. Riêng về cái lối văn diễn dịch này thì người Mỹ quả là giỏi.

Câu khẳng định ấy được minh chứng như thế nào? Nó được minh chứng bằng “các báo cáo đáng tin cậy” (credible reports) mà bản báo cáo này nhắc đi nhắc lại, thế nhưng không hề có những dẫn chứng rằng nguồn của “các báo cáo đáng tin cậy” ấy là gì, là ai, tổ chức nào? Hay lại là những HRW, RSF... Nếu như thế thì cũng không biết phải nói gì, vì đây đều là những tổ chức báo cáo láo. Nhìn về lịch sử, giới chức Mỹ cũng không ít lần viện dẫn những nguồn tin đáng tin cậy để gây sự với một quốc gia nào đó. Bạn không tin à, sự kiện Vịnh Bắc Bộ ở Việt Nam năm 1964 hay việc ngài Ngoại trưởng Mỹ Colin Powell giơ 1 chiếc lọ con mà ông nói có khả năng mang bệnh than, khi ông này trình bày với Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về bằng chứng cáo buộc Iraq tiến hành chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt, dẫn đến cuộc xâm lược Iraq của Mỹ năm 2003 chẳng phải là những cuộc chiến “dựa trên các nguồn tin đáng tin cậy” đó sao?

Phản ứng với báo cáo mà Bộ Ngoại giao Mỹ công bố, ngày 25/4/2024, người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết: Báo cáo vẫn tiếp tục đưa ra một số nhận định không khách quan dựa trên những thông tin không chính xác về tình hình thực tế của Việt Nam. Một lần nữa Việt Nam khẳng định chính sách nhất quán là bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, trong đó coi con người là trung tâm, là động lực của quá trình đổi mới và công cuộc phát triển đất nước. Quyền và tự do cơ bản của con người được ghi nhận trong Hiến pháp Việt Nam, được bảo vệ, thúc đẩy bởi các văn bản pháp luật cụ thể và được triển khai trên thực tiễn.

Nếu những người viết báo cáo về nhân quyền tại Việt Nam ở Mỹ tiếp tục dựa trên những nguồn tin “đáng tin cậy” như trên, dựa trên những cá nhân và tổ chức thiếu thiện chí, thì dự báo rằng báo cáo các năm tiếp theo câu mở đầu vẫn sẽ là điệp khúc “không có thay đổi đáng kể”.

Trên đây chỉ là một vài nét sơ lược về bản báo cáo nhân quyền Việt Nam 2023 mà Mỹ vừa công bố. Trong các bài viết sau sẽ phân tích và phản bác từng mục đề và nội dung mà bao lâu nay, Mỹ vẫn xuyên tạc và báo cáo không đúng sự thật về tình hình nhân quyền của Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét