Mới đây, VOA loan tải bài viết “Hoa Kỳ quan ngại về việc Việt Nam kết án những người thúc đẩy nhân quyền” để cho rằng: “Hôm thứ Hai 1/4, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ bày tỏ quan ngại về việc những người thúc đẩy nhân quyền ở Việt Nam bị kết án, bao gồm 5 bản án kể từ tháng 1, và bộ kêu gọi chính phủ Việt Nam tôn trọng quyền tự do ngôn luận, lập hội và tôn giáo”. Theo đó thì: “Chúng tôi đặc biệt lo ngại về bản án 13 năm tù gần đây đối với Y Krec Bya, người đã lên tiếng một cách ôn hòa về quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng ở Việt Nam. Chúng tôi cũng tiếp tục quan ngại về bản án nhiều năm tù đối với Nay Y Blang, Danh Minh Quang, Thạch Cương và Tô Hoàng Chương chỉ vì họ vận động ôn hòa cho nhân quyền, trong đó có quyền tự do tôn giáo hay tín ngưỡng ở Việt Nam”.
Tuy nhiên chứng kiến hành vi vi phạm pháp luật, quá trình chống phá của các trường hợp mà VOA dẫn lời Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tỏ ý “quan ngại” vì họ chỉ “vận động ôn hòa cho nhân quyền, trong đó có quyền tự do tôn giáo hay tín ngưỡng ở Việt Nam” thì quả thật khôi hài
Về nhân vật Y Krêč Byă. Ngày 28/3/2024, Tòa án Nhân dân tỉnh Đắk Lắk mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Y Krêč Byă (46 tuổi, trú buôn Knia 2, xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn) về tội “phá hoại chính sách đoàn kết”. Theo cáo trạng, Y Krêč Byă từng có tiền án 8 năm tù giam về tội “phá hoại chính sách đoàn kết”. Năm 2011 sau khi chấp hành xong án phạt tù và trở về địa phương sinh sống, lúc đầu Y Krêč Byă tham gia sinh hoạt đạo Tin Lành Việt Nam (miền Nam). Đến năm 2015, Y Krêč Byă tham gia sinh hoạt hội thánh Tin Lành đấng Christ Việt Nam. Từ năm 2019, thông qua Y Nuen Ayŭn (57 tuổi, trú buôn Puăn B, xã Ea Phê, huyện Krông Pắk), Y Krêč Byă quen biết A Ga (là người sáng lập hội thánh Tin Lành đấng Christ Tây Nguyên, đang sống tại Mỹ). Từ đó, Y Krêč Byă được A Ga chỉ định, giao cho nhiệm vụ phát triển và tham gia điều hành hội thánh Tin Lành đấng Christ Tây Nguyên. Quá trình quen biết với A Ga, Y Krêč Byă đã sử dụng các ứng dụng mạng xã hội để nói chuyện và được A Ga cho biết về việc thành lập một tôn giáo riêng cho người dân tộc thiểu số tại Tây Nguyên, nên Y Krêč Byă đã đồng ý tham gia hội thánh Tin Lành đấng Christ Tây Nguyên. Khi biết Y Krêč Byă thực hiện các hoạt động trái quy định, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng nhiều lần làm việc, động viên, nhắc nhở, yêu cầu chấm dứt. Tuy nhiên, Y Krêč Byă vẫn không từ bỏ mà tiếp tục phát triển tín đồ và tổ chức sinh hoạt điểm nhóm của hội thánh Tin Lành đấng Christ Tây Nguyên tại nhà riêng. Y Krêč Byă làm trưởng điểm nhóm với khoảng 50 tín đồ, định kỳ sinh hoạt 2 lần/tuần.
Về nhân vật Danh Minh Quang. Ngày 7/2/2024, Tòa án nhân dân huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) tổ chức phiên tòa xét xử sơ thẩm hình sự đối với bị cáo Danh Minh Quang (sinh năm 1987) thường trú ấp Đại Nghĩa Thắng, xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Theo cáo trạng, qua thực hiện chức năng, nhiệm vụ, cơ quan chức năng phát hiện Minh Quang có hành vi sử dụng tài khoản Facebook cá nhân tên “Minh Quang” để đăng tải, chia sẻ, phát trực tiếp những nội dung vi phạm pháp luật trên không gian mạng nên chuyển nguồn tin về tội phạm đến Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh để tiếp nhận, giải quyết theo quy định của pháp luật. Theo đó vào khoảng năm 2021 đến khoảng tháng 7/2023, Minh Quang sử dụng Facebook để viết, đăng tải, chia sẻ công khai 51 bài viết, hình ảnh với nội dung có tính chất tiêu cực, tuyên truyền xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội tại địa phương. Do vậy, bị cáo Minh Quang phải lãnh mức án 3 năm 6 tháng tù về hành vi phạm tội của mình.
Còn về hai nhân vật Thạch Cương và Tô Hoàng Chương thì: Ngày 20/3/2024 tại trụ sở Toà án nhân dân huyện Cầu Ngang đã tiến hành xét xử công khai vụ án hình sự Thạch Cương và Tô Hoàng Chương về tội: “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo quy định tại Điều 331 Bộ luật Hình sự. Từ năm 2015 đến 2016 các bị cáo Thạch Cương, Tô Hoàng Chương đã tạo tài khoản Facebook và thường xuyên viết đăng bản tin, hình ảnh, đăng phát trực tiếp video clip, chia sẻ video clip, tin bài, hình ảnh có nội dung tuyên truyền, xuyên tạc chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, xúc phạm đến các tổ chức, cá nhân. Đến năm 2020, các đối tượng đã nhiều lần bị Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Trà Vinh xử phạt vi phạm hành chính vì hành vi trên nhưng vẫn tiếp tục vi phạm. Theo kết quả điều tra xác định, bị cáo Thạch Cương từ ngày 18/9/2021 đến ngày 25/6/2023 đã 11 lần đăng phát trực tiếp video clip của bản thân phát biểu, 02 lần chia sẻ đoạn video clip của kênh nước ngoài, 01 lần đăng hình ảnh và chia sẻ nội dung chữ Khmer từ trang nước ngoài trên trang tài khoản cá nhân Facebook “Cuong Thach”. Đối với bị cáo Tô Hoàng Chương từ ngày 04/6/2021 đến ngày 25/6/2023 đã thực hiện 01 lần đăng bài viết bằng dòng chữ Khmer, 01 lần đăng hình ảnh và chia sẻ bài viết từ trang nước ngoài, 03 lần chia sẻ video clip từ trang nước ngoài, 01 lần phát trực tiếp video clip, 01 lần đăng đoạn chữ Khmer và phát trực tiếp video clip do chính bị cáo phát biểu, 01 lần chia sẻ video clip của bị cáo Thạch Cương. Kết quả, Thạch Cương lĩnh án 4 năm tù, còn Tô Hoàng Chương lĩnh án 3 năm 6 tháng tù về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo quy định tại Điều 331 Bộ luật Hình sự. Cần nói rõ ra như vậy để thấy những nhân vật kể trên đã vi phạm pháp luật một cách nghiêm trọng. Các phiên tòa mở ra để xét xử được tiến hành công khai, đúng người, đúng tội. Các bị cáo đều đã thừa nhận những hành vi vi phạm pháp luật của mình. Họ đều phải nhận những bản án đích đáng.
Cũng cần nói rõ rằng, VOA không phải lần đầu tiên dựa trên các thông tin, dữ liệu thiếu cơ sở, không khách quan để đưa ra đánh giá phiến diện vừa gây dư luận quốc tế hiểu nhầm, bất lợi đối với Việt Nam cũng như ảnh hưởng chung trong quan hệ giữa hai nước. Về vấn đề này, chiều 11/1/2024 tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao Việt Nam, trả lời câu hỏi của phóng viên, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng khẳng định, chính sách nhất quán của Việt Nam là tôn trọng và bảo đảm các quyền con người, quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng của người dân. Điều này đã được thể hiện rất rõ trong Hiến pháp năm 2013 và hệ thống pháp luật của Việt Nam, cũng như việc bảo đảm, tôn trọng trên thực tế.
Ở Việt Nam cũng như bất cứ quốc gia nào trên thế giới, công dân phải tuân thủ hiến pháp, pháp luật. Chức sắc, tín đồ các tôn giáo là công dân Việt Nam nếu có những hành động cản trở công cuộc đổi mới, đi ngược lại lợi ích của dân tộc, đất nước đều phải bị ngăn chặn, xử lý. Không thể dùng lý do tôn giáo để biện minh cho hành vi vi phạm pháp luật. Đây là nguyên tắc trong một Nhà nước pháp quyền, đồng thời là cơ sở khẳng định thái độ rõ ràng, dứt khoát của chúng ta trong đấu tranh loại bỏ cái xấu, cái ác trong xã hội, tạo môi trường sinh hoạt tôn giáo bình thường, lành mạnh, đồng thời cũng là bài học cảnh tỉnh cho những đối tượng muốn lợi dụng tôn giáo để hoạt động chống phá đất nước. Những đánh giá về tình hình, tự do tôn giáo ở nước khác mà lại lấy dẫn chứng từ những cá nhân, tổ chức lợi dụng tôn giáo để chống phá nước đó thì đánh giá đó là không bình thường, cần phải được thể hiện đúng cơ sở và ý nghĩa của nó. Không để ảnh hưởng đến mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện và tránh can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam là điều chúng ta yêu cầu phía Hoa Kỳ. Vì vậy VOA hãy thôi cổ súy, bao che cho những hành vi vi phạm pháp luật rồi diễn trò “quan ngại” về những cá nhân lợi dụng tôn giáo để công kích, bôi đen vấn đề nhân quyền ở Việt Nam, gây nhiễu thông tin hòng chống phá Việt Nam!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét