Thứ Bảy, 7 tháng 10, 2023

Bảo vệ Quyền con người nằm trong nội tại văn hóa, chính trị Việt Nam

 


Luận điệu xuyên tạc thường thấy của thành phần chống phá đất nước là chế độ hiện nay đã huy hoại văn hóa, phá hoại và bỏ rơi con người, không bảo vệ quyền con người như ở các nước tư bản… Tuy nhiên, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người nằm sâu, bén rẽ, là cơ sở, nền tảng văn hóa, đạo đức, chính trị, xã hội Việt Nam dưới dư lãnh đạo của Đảng CSVN

Cũng như các dân tộc trên thế giới, các giá trị nhân đạo, khoan dung… luôn hiện hữu trong đời sống xã hội và được thể hiện đậm nét trong lịch sử tư tưởng và đời sống của dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, điều kiện sống khắc nghiệt, do thường xuyên phải chống ngoại xâm và thiên tai, đã làm cho nhiều giá trị vốn có trở thành nổi trội. Đó là truyền thống coi trọng con người, thương yêu con người, đề cao tính vị tha, trách nhiệm với cộng đồng… luôn được nâng niu, bồi đắp và bảo vệ ở mọi thời kỳ lịch sử của dân tộc Việt Nam.

Những tư tưởng nhân đạo, nhân văn của dân tộc, thể hiện qua tục ngữ, ca dao và qua hành động cụ thể của những vị vua, quan là biểu hiện sinh động, đậm nét những giá trị dân tộc về bảo vệ con người,quyền con người. Truyền thống nhân đạo, khoan dung đó đã thẩm thấu vào hệ thống pháp luật của nhiều triều đại phong kiến Việt Nam. Các bộ luật hình thời Lý, Trần, tiêu biểu là Bộ Quốc triều hình luật thời Lê không chỉ chứa đựng những tư tưởng nhân đạo sâu sắc mà còn thể hiện những nội dung nhân quyền tiến bộ[1]. Cuộc đấu tranh giành độc lập của dân tộc Việt Nam đã góp phần khẳng định quyền của mọi dân tộc được sống trong hòa bình, độc lập, được bình đẳng với các dân tộc khác và được tự do định đoạt con đường phát triển của mình[2].

Đó là những đóng góp quý báu của dân tộc Việt Nam vào giá trị nhân quyền thiêng liêng của nhân loại. Đây cũng là tiền đề quan trọng để Việt Nam có thể tiếp nhận, chia sẻ, bảo vệ và phát triển các nội dung quyền con người hiện đại trong bối cảnh mới.

Trong Học thuyết Mác – Lênin, cùng với việc kế thừa các tư tưởng tiến bộ, Học thuyết Mác đã góp phần khắc phục được khuynh hướng xem xét con người một cách trừu tượng. C.Mác chỉ rõ: “Bản chất của con người không phải là một cái trừu tượng cố hữu của cá nhân riêng biệt. Trong tính hiện thực của nó bản chất của con người là tổng hoà của những mối quan hệ xã hội”[3]. Đây là cơ sở quan trọng để xem xét, đánh giá vấn đề quyền con người.

Ông cho rằng con người vừa là sản phẩm của tự nhiên, vừa là sản phẩm của xã hội. Do đó, quyền con người không phải là sự ban phát của Thượng đế. Mặc dù bắt nguồn từ các quyền tự nhiên, nhưng quyền con người không phải tự nhiên mà có. C.Mác đánh giá cao quan điểm của Hê-ghen, rằng: “nhân quyền không phải là bẩm sinh mà là sản sinh ra trong lịch sử”[4]. Lịch sử văn minh nhân loại cho thấy, quyền con người là thành quả của sự phát triển lịch sử, của các cuộc đấu tranh cách mạng, cải tạo xã hội.

C.Mác cũng cho rằng, khi xem xét và giải quyết vấn đề quyền con người cần phải đặt vào những hoàn cảnh lịch sử cụ thể: “Quyền không bao giờ có thể ở mức cao hơn chế độ kinh tế và sự phát triển văn hóa của xã hội do chế độ kinh tế quyết định”[5].

Học thuyết Mác đề cao con người và sự nghiệp giải phóng con người, nhấn mạnh quyền và tự do của con người không tách rời quyền và tự do của mỗi dân tộc. Chính quyền tự do của mỗi dân tộc, trong đó có quyền tự quyết dân tộc, là một đảm bảo vững chắc để có thể hiện thực hóa đầy đủ các quyền con người.C.Mác chỉ rõ, một dân tộc đi áp bức dân tộc khác thì chính dân tộc đó cũng không thể có tự do. Việc tôn trọng quyền tự quyết của dân tộc khác là một yêu cầu quan trọng trong việc thiết lập mối quan hệ hữu nghị thực chất giữa các dân tộc, do đó góp phần vào việc bảo vệ hòa bình thế giới và quyền con người.

Quyền con người là một thành tựu của nhân loại, nhưng đó mới chỉ là một nấc thang của sự phát triển, trên hành trình hướng tới tự do, bình đẳng thực sự của nhân loại. Ph.Ăng-ghen viết: “Bình đẳng là một sản phẩm lịch sử, không có quyền bình đẳng trừu tượng, muốn có bình đẳng thật sự thì việc xóa bỏ đặc quyền giai cấp là chưa đủ, mà phải xóa bỏ bản thân giai cấp”.

C.Mác và Ph.Ăng-ghen đánh giá cao các cuộc cách mạng dân chủ tư sản, song các ông cũng chỉ ra những mặt hạn chế của xã hội tư bản trong việc bảo vệ quyền con người. Đó là việc quyền con người còn dừng ở mặt hình thức, lý thuyết. Chủ nghĩa tư bản cổ súy cho sự chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất; do đó, quyền con người dưới chủ nghĩa tư bản chủ yếu là quyền của giới hữu sản. Quyền con người trong chế độ tư bản còn đầy mâu thuẫn, cả về lý luận và thực tiễn; vẫn còn khoảng cách khá xa giữa các tuyên bố chính trị với quy định trong pháp luật và đặc biệt trên thực tế. C.Mác đã từng vạch rõ: “… sự việc sau đây cũng nói lên cái tính chất đặc thù tư sản của những quyền của con người: Hiến pháp của Mỹ, hiến pháp đầu tiên thừa nhận quyền con người, đồng thời chuẩn y luôn cả chế độ nô lệ của người da màu đang tồn tại ở nước Mỹ; đặc quyền giai cấp bị cấm chỉ, đặc quyền chủng tộc được thần thánh hóa”. Thực tế lịch sử cũng chứng minh luận điểm nói trên của C.Mác. Chẳng hạn, ở Mỹ, phải đến năm 1920 phụ nữ mới được thực hiện quyền bầu cử; cho đến nửa cuối những năm 1950, các quyền con người của người da màu mới được thừa nhận…

C.Mác và Ph.Ăng-ghen cũng nhấn mạnh rằng, chỉ trong xã hội cộng sản mối quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng mới được giải quyết một cách trọn vẹn: “Thay cho xã hội tư sản cũ với những giai cấp và đối kháng giai cấp của nó, sẽ xuất hiện một liên hợp, trong đó sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”.

Trong bối cảnh chủ nghĩa tư bản đã chuyển thành chủ nghĩa đế quốc, thành lực lượng áp bức, thống trị các dân tộc, V.I. Lênin kiên quyết ủng hộ quyền đấu tranh khẳng định quyền tự quyết dân tộc, cả về mặt lý thuyết cũng như trên thực tế. Đóng góp nổi bật của V.I.Lênin đối với lý luận về quyền con người là những tư tưởng vềxây dựng chế độ dân chủ, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân lao độngcon đường để giành quyền tự quyết của các dân tộc.

Nét đặc sắc, thể hiện tính hơn hẳn của các cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa là đã chuyển quyền con người từ lĩnh vực lý thuyết thành hiện thực. Ngay sau khi giành được chính quyền năm 1917, dưới sự lãnh đạo của V.I. Lênin, Nhà nước Nga Xô-viết đã tôn trọng trên thực tế quyền tự quyếtcủa các quốc gia dân tộc vốn là thuộc địa của Nga Sa Hoàng và ủng hộ mọi mặt cuộc đấu tranh giành độc lập của các dân tộc thuộc địa trên toàn thế giới.

Trong tiến trình xây dựng xã hội mới, V.I. Lê-nin đưa ra một trong những tiêu chí phân biệt dân chủ vô sản với các nền dân chủ trước đó: “Dân chủ vô sản là chế độ thống trị của đa số với thiểu số, vì lợi ích của đa số...”. Ôngcũng chỉ rõ: “Chủ nghĩa xã hội thắng lợi nhất thiết phải thực hiện chế độ dân chủ hoàn toàn”. Từ nhận thức này, V.I.Lêninđề xuất và lãnh đạo tiến trình hiện thực hóa quyền tham gia của nhân dân lao động trong quản lý nhà nước và xã hội; thực thi dân chủ trên thực tế ngay những ngày đầu thành lập chế độ mới ở nước Nga Xô-viết. Dưới chế độ Xô-viết tại Nga, quyền của các nhóm dễ bị tổn thương luôn được quan tâm, bảo vệ; quyền của phụ nữ, trẻ em được nâng niu, trân trọng bằng những chính sách và hoạt động cụ thể…

Như vậy, Học thuyết Mác - Lê-nin chủ trương đấu tranh giành lại quyền con người trên thực tế cho tất cả mọi người, nhất là quyền con người của nhân dân lao động và các nhóm yếu thế trong xã hội; đặt cuộc đấu tranh vì quyền con người trong tiến trình giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội và giải phóng con người.

Trong Tư tưởng Hồ Chí Minh, kế thừa truyền thống dân tộc và các giá trị lớn của nhân loại, đặc biệt là học thuyết macxit, Hồ Chí Minh có nhiều đóng góp vào tư tưởng và sự nghiệp đấu tranh vì quyền con người.

Từ thực tiễn Việt Nam và thế giới, Hồ Chí Minh đã sớm nhận rõ mối quan hệ chặt chẽ giữa độc lập dân tộc và quyền con người. Người hiểu rõ, một dân tộc bị nô lệ thì người dân ở đó không thể có bất cứ quyền con người và tự do nào. Vì thế, ý chí “Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập” mà Người khái quát đã lay động mọi người Việt Nam yêu nước, nhờ đó đã thức tỉnh cả dân tộc và tạo nên cuộc Cách mạng Tháng Tám vang dội. Tư tưởng này còn được Người nhiều lần khẳng định ở những thời khắc cam go nhất của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc: Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, Không có gì quý hơn độc lập, tự do!”... Trong bản Tuyên ngôn độc lập bất hủ (năm 1945), Người đã kế thừa, phát triển quyền con người “tự nhiên” của mỗi cá nhân thành quyền đương nhiên của mọi dân tộc.

Độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia - một quyền tập thể - theo Hồ Chí Minh gắn liền với quyền con người và là điều kiện tiên quyết, cơ bản để hiện thực hóa các quyền con người ở Việt Nam.

Tư tưởng về con người và giải phóng con người là sợi chỉ đỏ xuyên suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh. Tư tưởng đó là sự thể hiện cao nhất chủ nghĩa nhân văn cao cả và chủ nghĩa yêu nước chân chính của Người, nhằm hoàn thiện nhân cách của mỗi con người, đem lại cho mỗi người dân Việt Nam “quyền làm người” từ kiếp người nô lệ. Nền độc lập dân tộc vừa được khôi phục, Người lại sớm chỉ rõ: “nếu nước độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì” và nhấn mạnh: Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ”... Độc lập dân tộc, như vậy chỉ là phương tiện để đạt được mục tiêu cuối cùng là tự do, hạnh phúc cho mọi nhà và mọi người Việt Nam.

Để đạt mục tiêu tự do, hạnh phúc đầy đủ, trọn ven cho mọi người dân Việt Nam, việc lựa chọn con đường phát triển của đất nước là hết sức quan trọng. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”.

Những luận điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về quyền dân chủ có ý nghĩa hết sức sâu sắc. Người đề cập đến tính công khai, minh bạch, thực hành dân chủ, trách nhiệm của các cơ quan công quyền, không chỉ trong Hiến pháp, pháp luật, mà cả trong thực tiễn chỉ đạo hoạt động của Chính phủ thời kỳ kháng chiến. Người coi nhân dân là chủ, Chính phủ là đầy tớ của dân. Do đó, “Nhân dân có quyền đôn đốc và phê bình Chính phủ. Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ. Từ Chủ tịch nước đến giao thông viên cũng vậy, nếu không làm được việc cho dân, thì dân không cần đến nữa”; “Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh vác việc chung cho dân chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật. Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”…

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến quan hệ hòa bình, hữu nghị với các dân tộc, tăng cường giao lưu học hỏi kinh nghiệm của các nước trong việc xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ quyền con người. Điều này được thể hiện sống động qua di sản tư tưởng và hoạt động thực tiễn của Người; cả trong tổ chức bộ máy nhà nước, xây dựng hiến pháp, pháp luật cũng như quản lý xã hội, trong hoàn cảnh chiến tranh cũng như trong hòa bình…

Những tư tưởng và hoạt động của Hồ Chí Minh về quyền con người thể hiện tầm nhìn chiến lược, phù hợp với xu thế thời đại, là đóng góp to lớn vào giá trị chung của nhân loại về quyền con người. Những tư tưởng đó là định hướng chính trị cơ bản cho toàn bộ hoạt động của Nhà nước Việt Nam trên lĩnh vực quyền con người ở mọi giai đoạn phát triển của đất nước.

 



[1] Những quy định tiến bộ về bảo vệ quyền sống, quyền sở hữu; đặc biệt bảo vệ quyền của các nhóm yếu thế, như phụ nữ, trẻ em, người già, người lang thang cơ nhỡ, người dân tộc thiểu số, người yếu thế… khá gần với cách thức bảo vệ quyền con người hiện đại.

[2] Các cuộc đấu tranh này cổ vũ mạnh mẽ cuộc đấu tranh giành độc lập của các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới, góp phần dẫn đến việc Liên hợp quốc thông qua Tuyên bố về trao trả độc lập cho các nước và dân tộc bị áp bức năm 1970.

[3] C.Mác và Ph.Ăng-ghen:Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, t3, 1995, tr.11.

[4] C.Mác và Ph.Ăng-ghen: Sđd, t2, 1995, tr. 172-173.

[5] C.Mác và Ph.Ăng-ghen:Sđd, T.19, 1995, tr. 36.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét