Thứ Sáu, 6 tháng 10, 2023

Vì sao vấn đề tôn giáo luôn bị các thế lực thù địch lợi dụng, xuyên tạc?

 


Vấn đề tôn giáo luôn bị các thế lực thù địch coi đây là một trong những mũi tiến công chủ đạo nhằm phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc. Thông qua một vài trang mạng thiếu thiện chí với Việt Nam ở hải ngoại chúng ra sức tuyên truyền xuyên tạc chính sách tôn giáo, dân tộc của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Chẳng hạn,  trên trang “Nhân quyền Việt Nam” và “Tiếng Dân News” phát tán tài liệu “Đảng Cộng sản Việt Nam và Tà thuyết đấu tranh tôn giáo”, trong đó có nội dung cho rằng ở Việt Nam “Phật giáo luôn được ưu tiên, các cơ sở tôn giáo, thờ tự và số lượng Phật tử trên cả nước ngày một tăng trong khi đạo Công giáo, Tin lành luôn bị cản trở sự phát triển…”. Thực tế những gì đã và đang diễn ra ở Việt Nam cho thấy tài liệu trên đã trắng trợn bóp méo, xuyên tạc chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước Việt Nam; lộ rõ mưu đồ xấu xa, kích động gây mâu thuẫn, xung đột, chia rẽ tình đoàn kết giữa các tôn giáo.

Lịch sử truyền thống dân tộc Việt Nam đã chứng minh để có được cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc như hôm nay là nhờ sự hy sinh xương máu của lớp lớp thế hệ người Việt Nam, trong đó có đồng bào của tất cả các tôn giáo trên lãnh thổ Việt Nam. Trong giai đoạn mới, Việt Nam tiếp tục khẳng định công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa là sự nghiệp của toàn dân, trong đó có đồng bào của tất cả các tôn giáo.

Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiến định: Đảng Cộng sản Việt Nam là tổ chức chính trị, lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Quan điểm, chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam là tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân và tôn trọng tất cả các tôn giáo cũng như tạo điều kiện thuận lợi để các tôn giáo hoạt động và phát triển; khắc phục mọi thái độ hẹp hòi, thành kiến, phân biệt đối xử với đồng bào có đạo, chống những hành động vi phạm tự do tín ngưỡng; đồng thời nghiêm cấm và ngăn chặn mọi hành vi lợi dụng tôn giáo phá hoại độc lập và đoàn kết dân tộc, chống phá chủ nghĩa xã hội, ngăn cản tín đồ làm nghĩa vụ công dân.

Tại phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là Cộng hòa XHCN Việt Nam), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định chính sách: “Tín ngưỡng tự do và Lương giáo đoàn kết”. Tư tưởng ấy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được Đảng Cộng sản Việt Nam quán triệt và tổ chức thực hiện trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng. Đặc biệt, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: “Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo phù hợp với quan điểm của Đảng. Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo; động viên các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống tốt đời, đẹp đạo, tham gia đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Quan tâm và tạo mọi điều kiện cho các tổ chức tôn giáo sinh hoạt theo hiến chương, điều lệ của các tổ chức tôn giáo đã được Nhà nước công nhận, đúng quy định của pháp luật…”.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Đảng Cộng sản Việt Nam một lần nữa khẳng định: “Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo. Quan tâm và tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo sinh hoạt theo hiến chương, điều lệ của tổ chức tôn giáo đã được Nhà nước công nhận, theo quy định của pháp luật, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Đồng thời chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh với những hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc hoặc những hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trái quy định của pháp luật”.

Đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, quan điểm trên tiếp tục được Đảng Cộng sản Việt Nam nhất quán và làm rõ hơn khi khẳng định: “Vận động, đoàn kết, tập hợp các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống tốt đời đẹp đạo, đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bảo đảm cho các tổ chức tôn giáo hoạt động theo quy định pháp luật và hiến chương, điều lệ được Nhà nước công nhận. Phát huy những giá trị văn hoá, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước”. Đồng thời, Đảng Cộng sản Việt Nam cũng khẳng định: “Kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm minh những đối tượng lợi dụng tôn giáo chống phá Đảng, Nhà nước; chế độ xã hội chủ nghĩa; chia rẽ, phá hoại đoàn kết tôn giáo và khối đại đoàn kết toàn dân tộc”.

Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân luôn được ghi nhận trong Hiến pháp và các văn bản luật của Việt Nam. Từ Hiến pháp đầu tiên năm 1946 ngay sau khi nước ta giành được độc lập đã nêu rõ: “Mọi công dân có quyền tự do tín ngưỡng”. Sau khi đất nước thống nhất, Hiến pháp năm 1980 đã ghi: “Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Không ai được lợi dụng tôn giáo để làm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước” (Điều 80). Hiến pháp năm 1992 khẳng định: “Công dân Việt Nam có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Những nơi thờ tự của các tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để làm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước” (Điều 70).

Hiến pháp năm 2013 tiếp tục khẳng định quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong việc tôn trọng, bảo đảm các quyền con người, quyền công dân, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo: “1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. 2. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. 3. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”. Luật Tín ngưỡng, tôn giáo khẳng định: Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; bảo đảm để các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật… cấm phân biệt đối xử, kỳ thị vì lý do tín ngưỡng tôn giáo. Hành vi bị nghiêm cấm: cấm phân biệt đối xử, kỳ thị vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo; ép buộc hoặc cản trở người khác theo hoặc không theo tín ngưỡng, tôn giáo; xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo của người khác; lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo để trục lợi; các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo xâm phạm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia, trật tự, an toàn công cộng, môi trường, xâm hại đạo đức xã hội, sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm, danh dự, tài sản của người khác, cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân…

Luật Tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam cũng khẳng định việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người và quyền bình đẳng giữa các tôn giáo: Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; bảo đảm để các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật; nhà nước tôn trọng, bảo vệ giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tín ngưỡng, tôn giáo, truyền thống thờ cúng tổ tiên, tôn vinh những người có công với nước, với cộng đồng đáp ứng nhu cầu tinh thần của nhân dân; Nhà nước bảo hộ cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo và tài sản hợp pháp của cơ sở tín ngưỡng và các tổ chức tôn giáo…

Có thể nói, đời sống tôn giáo ở Việt Nam chưa bao giờ phong phú, sôi động như hiện nay. Tín đồ của các tổ chức tôn giáo luôn đoàn kết, đồng hành với tất cả cộng đồng dân tộc phấn đấu thực hiện các mục tiêu chung của cách mạng, xây dựng đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc. Mọi điều kiện thuận lợi luôn được mở ra để các tổ chức tôn giáo thực hiện hài hòa việc đạo, việc đời, phát huy tốt những giá trị về mặt văn hóa, đạo đức, thông qua đó trực tiếp góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Một lần nữa phải khẳng định rằng: Ở Việt Nam, tất cả các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật, không một tôn giáo nào hoạt động đúng pháp luật mà bị ngăn cấm, cản trở phát triển; không bao giờ có chuyện ưu ái tôn giáo này mà kỳ thị và gây khó khăn cho tôn giáo kia và ngược lại. Luận điệu cho rằng Việt Nam ưu tiên Phật giáo và cản trở sự phát triển của Công giáo, Tin lành là chiêu bài thâm độc, nguy hiểm nhằm gây hận thù, chia rẽ giữa các tôn giáo và chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Nhân dân Việt Nam, trong đó có các tín đồ sinh hoạt trong các tổ chức tôn giáo luôn đề cao cảnh giác không để kẻ xấu lợi dụng kích động gây mâu thuẫn, chia rẽ tình đoàn kết giữa các tôn giáo; thông qua đó góp phần xây dựng và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn lợi dụng tôn giáo để chống phá của các thế lực thù địch./.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét