Thứ Năm, 5 tháng 10, 2023

Quyền con người được tiêm chủng – nỗ lực không ngừng nghỉ của Việt Nam

 


Trong khuôn khổ Khóa họp 54 Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc, với tư cách thành viên tích cực, có trách nhiệm của HĐNQ LHQ nhiệm kỳ 2023-2025, Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Giơ-ne-vơ đã phối hợp với Bra-xin và Gavi - Liên minh toàn cầu về vắc-xin và tiêm chủng (GAVI) tổ chức Tọa đàm quốc tế về Thúc đẩy quyền con người được tiêm chủng. Tham gia Tọa đàm có khoảng 50 đại biểu đến từ gần 30 quốc gia, các tổ chức quốc tế.

Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn Việt Nam bên cạnh LHQ, WTO và các tổ chức quốc tế khác tại Giơ-ne-vơ nhấn mạnh chính sách và thành tựu của Việt Nam về đảm bảo quyền con người được tiếp cận vắc-xin, tiêm chủng, góp phần quan trọng thúc đẩy sức khỏe của nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội. Chính phủ Việt Nam cam kết mạnh mẽ và đạt thành tựu quan trọng trong triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng, được thiết lập từ năm 1981, với tỷ lệ cao về tiêm chủng mở rộng thông thường, và chương trình khẩn cấp như tiêm chủng ngừa COVID-19, được WHO, GAVI và cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

 Những nỗ lực vượt mọi nghịch cảnh

Chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR) bắt đầu được triển khai ở Việt Nam từ năm 1981 do Bộ Y tế khởi xướng với sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF). 

Trong giai đoạn thí điểm (1981-1984), Chương trình chủ yếu sử dụng hình thức tiêm chủng chiến dịch (tiêm chủng hàng loạt) trên một số địa bàn có nguy cơ cao. Hình thức tiêm chủng thường xuyên (tiêm chủng hàng tháng) bắt đầu được áp dụng ở một số địa bàn có điều kiện thuận lợi và từng bước được mở rộng. Hết giai đoạn thí điểm đã có 50% số tỉnh triển khai dịch vụ TCMR. Tuy nhiên, tỷ lệ tuyến huyện và xã triển khai còn rất thấp.

Ngày 5/12/1985, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) đã ban hành Chỉ thị số 373-CT về việc đẩy mạnh Chương trình TCMR cho trẻ em trong cả nước. Thực hiện Chỉ thị trên, năm 1986 đã có 100% số tỉnh và 60% số huyện trong cả nước triển khai lịch TCMR. Đến năm 1989, đã có 100% số huyện với trên 90% số xã triển khai Chương trình. Kết thúc giai đoạn 1986-1990 đã có 40/40 (100%) tỉnh, 530/530 (100%) huyện triển khai dịch vụ TCMR. Tuy nhiên còn tới 3,6% số xã với gần 400 xã vùng núi, vùng sâu, vùng xa chưa triển khai được công tác tiêm chủng.

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Y tế, thực hiện Chương trình Kết hợp quân dân y (Chương trình 12), đặc biệt là sự kết hợp của Quân y bộ đội Biên phòng, ngành Y tế từng bước xoá các xã trắng về TCMR và đạt mục tiêu này vào năm 1995. Việc xóa xã trắng về TCMR có thể được coi là một kỳ tích của ngành Y tế Việt Nam khi nước ta có tới 4.734 xã biên giới miền núi, hải đảo, chiếm 42,5% tổng số xã, phường trên toàn quốc.

Kể từ năm 1994, sau khi 100% số xã, phường, thị trấn trên toàn quốc đã được bao phủ Chương trình TCMR, tỷ lệ số trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ trở thành một trong những chỉ tiêu quan trọng nhất để đánh giá chất lượng của Chương trình. Tỷ lệ này liên tục tăng lên theo các năm và kể từ năm 1995 luôn được duy trì ở mức trên 90% ở quy mô tuyến tỉnh. Kể từ năm 2004 tỷ lệ này luôn được duy trì mức trên 90% ở quy mô tuyến huyện.

Có thể nói, Chương trình TCMR đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần quan trọng trong nâng cao sức khỏe nhân dân và phát triển kinh tế-xã hội. Cụ thể, Việt Nam đã đạt và duy trì thành quả thanh toán bệnh bại liệt. Liên tục từ năm 1997 đến nay Việt Nam không có ca bệnh bại liệt, đi cùng với tỷ lệ uống vắc-xin bại liệt thường xuyên rất cao trên 95%. 

Việt Nam cũng đạt và duy trì thành quả loại trừ uốn ván sơ sinh (UVSS). Trong đó, duy trì tỷ lệ tiêm vắc xin uốn ván cho phụ nữ có thai đạt trên 80%; tiêm vắc xin uốn ván cho nữ tuổi sinh đẻ tại một số vùng nguy cơ cao thường xuyên đạt trên 90%; tỷ lệ trẻ được bảo vệ phòng uốn ván sơ sinh đạt 88,7%. 

Kể từ năm 2005 (năm công bố thành công loại trừ UVSS) đến 2011, tỷ lệ mắc UVSS thường xuyên đạt 0,04/100.000 dân, và 100% số huyện trên toàn quốc đạt chỉ tiêu loại trừ UVSS của WHO khu vực Tây Thái Bình Dương đề ra. 

Việt Nam cũng rất thành công trong việc khống chế tiến tới loại trừ bệnh sởi với những thông số ấn tượng như: Nâng cao tỷ lệ miễn dịch trong cộng đồng, với tỷ lệ tiêm chủng 2 mũi vắc xin sởi trên phạm vi toàn quốc đạt trên 95%; tăng cường công tác giám sát sởi bao gồm giám sát dịch tễ học và giám sát phòng thí nghiệm bệnh sởi tại các phòng thí nghiệm chuẩn thức quốc gia; phát hiện, báo cáo và xử lý kịp thời các vụ dịch sởi; tiến gần đến mục tiêu loại trừ bệnh sởi cùng với các nước trong khu vực Tây Thái Bình Dương.

Ngoài ra, Việt Nam cũng thành công ở việc giảm tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan B ở trẻ em dưới 5 tuổi; giảm đáng kể tỷ lệ mắc các bệnh bạch hầu, ho gà; mở rộng diện bao phủ các vắc xin viêm não Nhật Bản, tả và thương hàn...

Đặc biệt, Việt Nam không chỉ thành công trong TCMR thông thường mà cả trong các chương trình khẩn cấp như chương trình tiêm chủng vaccine Covid-19 quy mô rộng lớn nhất lịch sử mới đây. Việt Nam đã đạt tỷ lệ tiêm chủng vaccine Covid-19 gần 100%, một trong những nước đạt tỷ lệ cao nhất trên thế giới, góp phần quan trọng để kiểm soát hiệu quả đại dịch, bảo vệ sinh mạng của người dân, đồng thời duy trì tăng trưởng kinh tế trong đại dịch và phục hồi sau đại dịch.

 Sáng kiến được quốc tế ghi nhận

Là một thành viên có trách nhiệm và với vị thế là thành viên Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc (lần 2), trên tinh thần “Tôn trọng và hiểu biết. Đối thoại và hợp tác. Tất cả các quyền con người-cho tất cả mọi người”, Việt Nam đã và đang đóng góp trực tiếp vào công tác bảo vệ và thúc đẩy quyền con người trên toàn thế giới, nhất là về bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương và bảo đảm quyền con người trong ứng phó với các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu.

Tại buổi Tọa đàm, Việt Nam đã chia sẻ về chiến lược, giải pháp nhằm tăng cường hợp tác quốc tế, hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực, cải thiện hệ thống chăm sóc sức khỏe công cộng; xây dựng và tăng cường năng lực phát triển, sản xuất, bảo quản và phân phối vaccine, năng lực chương trình tiêm chủng. 

Tại Phiên thảo luận chung về các quyền con người tại Khóa họp 54 Hội đồng nhân quyền (ngày 20/9/2023), Việt Nam đã trình bày phát biểu chung về quyền con người được tiêm chủng. Phát biểu chung này được sự ủng hộ của đông đảo các nước, với sự đồng bảo trợ chính thức của gần 60 nước từ tất cả các châu lục. Phát biểu chung nhấn mạnh mối liên hệ và tác động rất quan trọng giữa tiêm chủng và quyền con người có được sức khỏe ở mức cao, tầm quan trọng của vaccine, chủ nghĩa đa phương vaccine và các nỗ lực đa phương, vai trò của Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc nhằm tăng cường đoàn kết và hợp tác quốc tế đảm bảo tiếp cận vaccine công bằng, giá thành hợp lý và kịp thời, cũng như việc thúc đẩy quyền được tiêm chủng, thực hiện đầy đủ chương trình tiêm chủng.

Phát biểu chung kêu gọi các quốc gia và các bên thúc đẩy thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về tiêm chủng của WHO nhằm đảm bảo tất cả mọi người dân, ở mọi nơi và mọi lứa tuổi, được tiêm chủng, được thụ hưởng quyền có được sức khỏe ở mức cao, đặc biệt là các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương như người già và trẻ em.

Bên cạnh đó, Phát biểu chung nhấn mạnh sự cần thiết tăng cường hơn nữa đoàn kết và hợp tác quốc tế, hỗ trợ kỹ thuật, tăng cường năng lực nhằm bảo đảm tiếp cận vaccine cũng như triển khai hiệu quả, kịp thời các chương trình tiêm chủng, để bảo đảm thụ hưởng quyền có được sức khỏe ở mức cao của mọi người dân, nhất là các nhóm dễ bị tổn thương, hướng đến tương lai sức khỏe tốt hơn, không để ai bị bỏ lại phía sau, từ đó nâng cao năng suất lao động và khả năng phục hồi của các quốc gia và đảm bảo một thế giới an toàn, ổn định và thịnh vượng hơn.

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét