Chủ Nhật, 1 tháng 11, 2015

Quyền lực và tác phẩm, cải nào quan trọng với nhà văn hơn?


Các cụ có câu “Văn mình vợ người”, phàm đã là nhà văn, ai cũng thấy tác phẩm mình là hay và tự cho mình là vĩ đại, nền văn học phải chuyển hướng theo những gì mình mong muốn. Không chỉ Hội nhà văn Việt Nam mà ngay cả các hội nhà văn của thế giới, lúc nào cũng ồn ào lời qua tiếng lại. Mới đây ông Nguyễn Như Phong có viết bài “Lại phải “kính lại các nhà văn” “, đọc mà thấy vừa buồn cười lại vừa thương tâm cho văn đàn Việt Nam.
 
Đây là những dòng mô tả không khí của các Đại hội Hội nhà văn:
“Có nhà văn ngang nhiên uống rượu trong hội trường.
Có nhà văn ngang nhiên hút thuốc lào sòng xọc.
Lại có nhà văn ngang nhiên xông lên cướp micro để “cướp diễn đàn”.
Rồi phát biểu mỉa mai, móc máy nhau, thậm chí mạt sát nhau…
Rồi chạy vạy xin phiếu để được vào Ban Chấp hành…
Rồi khi không được bầu thì cao giọng “tao… ị vào cái Ban Chấp hành”.”

Ông Nguyễn Như Phong có một nhận xét rằng các nhà văn Việt Nam vừa tham quyền cố vị lại vừa ngông nghênh và có cái tôi to. Họ coi trọng chức tước trong Hội hơn là sáng tạo ra tác phẩm có giá trị.

Nhưng nhắc đến việc tham quyền cố vị làm tôi nhớ đến sự ra đời của Văn đoàn độc lập. Các sáng lập viên Văn đoàn độc lập là những ai? Trước khi thành lập Văn đoàn độc lập, Nguyên Ngọc, Hoàng Hưng, Đinh Ý Nhi, Võ Thị Hảo… v…v… đều là các thành viên của Hội Nhà văn Việt Nam. Cũng lâu rồi họ không có tác phẩm nào đáng chú ý,

Trước đây Nguyên Ngọc giữ chức vụ rất cao trong Hội nhà văn Việt Nam nhưng sau khi về hưu, phe cánh của ông ta trong Hội nhà văn đã nhanh chóng suy yếu và không có tiếng nói trong hội. Không còn thấy cơ hội chi phối Hội nhà văn, Nguyên Ngọc đã kết hợp với Giáo sư Chu Hảo để thành lập Qũy Phan Châu Trinh nhằm tạo dựng thế lực riêng bên ngoài Hội Nhà Văn. Cho đến năm 2014, quỹ Phan Chu Trinh đã có đủ thế lực trong giới xuất bản, Nguyên Ngọc bắt đầu dấn thêm bước nữa đó là thành lập Văn đoàn độc lập. Sự ra đời của tổ chức này như lời tuyên chiến với Hội Nhà Văn. Nguyên Ngọc đã chơi một nước cờ cao tay, không thèm tranh giành cái ghế trong Hội mà tranh giành vị thế xã hội với Hội Nhà văn đương thời.

Nhìn ngược nhìn xuôi thì lại thấy rằng, Hội Nhà Văn đã ngập những người tham quyền cố vị, nhưng ngay cả những người tự vỗ ngực ly khai khỏi Hội Nhà văn cũng là tham quyền cố vị, đã vậy còn chất chứa thêm thù hận cá nhân. Cứ dăm bữa nửa tháng lại thấy có ông bà nhà văn lên tuyên ngôn trên BBC là trách nhiệm của nhà văn phải là thế này, trách nhiệm của nhà văn là phải thế kia. Nhưng rốt cuộc chưa thấy những ông bà tuyên ngôn hùng hồn đó nhắc đến trách nhiệm quan trọng nhất của nhà văn đó là sáng tạo tác phẩm. Và đương nhiên, những người tuyên ngôn hùng hổ đó chẳng viết được câu truyện hay bài thơ nào khiến trái tim người đọc rung động cả. Họ kéo bè kết cánh thành bè phái, lợi dụng truyền thông để nâng bi nhau.

Bác Như Phong than thở về vấn đề Hội Nhà Văn Việt Nam bây giờ quá loạn. Tôi cũng chỉ biết chép miệng than là văn đàn bây giờ quá loạn. Nhà văn quên đi trách nhiệm của mình, quên đi thiên chức của mình. Dép mũ thì đảo lộn, những kẻ lợi dụng tình cảnh hỗn loạn để đục nước béo cò, leo lên chiếm lĩnh các kênh truyền thông bằng lời đao to búa lớn. Tôi tin rằng đâu đó vẫn còn các cây viết miệt mài với nghiệp văn, họ không tranh chấp trong Hội nhà văn hay không cần tham gia Văn đoàn độc lập, họ có thể đã có nhiều tác phẩm hay ra đời nhưng truyền thông không để ý đến. Tôi cũng mượn lời nhà văn Nguyễn Như Phong, tôi chắp tay lạy và xin các ông các bà nhà văn bớt tuyên ngôn đi, lấy chỗ cho các nhà văn, nhà thơ đích thực đăng tải và giới thiệu các tác phẩm có giá trị.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét